Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp nào quản lý chó thả rông?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn thương tâm liên quan đến chó thả rông. Tuy nhiên, tình trạng chó thả rông vẫn diễn ra khá phổ biến ở khắp mọi nơi.

Việc quản lý chó thả rông còn bị buông lỏng, nhiều chủ nuôi chó cũng chưa có ý thức với cộng đồng trước hiểm họa con vật này có thể gây ra.
Nguy hiểm rình rập mọi nơi
Việc nuôi chó để làm cảnh hay giữ nhà đã là một thói quen của không ít người Việt. Tuy nhiên, việc nuôi chó theo đúng quy định nuôi nhốt thì không phải ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh. Trên thực tế, bất chấp các quy định, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm tự do chạy nhảy vẫn phổ biến ở những khu vực công cộng, gây nguy hiểm cho nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Dạo qua một vòng các đường phố, công viên, khuôn viên chung cư… trên địa bàn Hà Nội, tình trạng chó thả rông không đeo rọ mõm vẫn còn khá phổ biến.
 Chủ nuôi phải rọ mõm và dây xích trước khi đưa chó ra ngoài đường. Ảnh: Phương Nga
Thực tế, thời gian qua đã xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm liên quan đến chó thả rông, trong đó có thể kể đến vụ cháu bé 7 tuổi ở Kim Động, Hưng Yên bị đàn chó thả rông của gia đình hàng xóm lao vào cắn vào ngày 3/4 dẫn đến tử vong. Gần đây nhất, vào ngày 19/4, một bé trai 7 tuổi ở Đại Từ, Thái Nguyên, cũng bị chó thả rông của hàng xóm cắn, cháu bé cũng không thể qua khỏi vì vết thương quá nặng…
Là một nạn nhân của chó thả rông, một tuần nay, chị Nguyễn Thị Hạnh ở Kiến Hưng, Hà Đông, phải nghỉ làm ở nhà. Chị Hạnh nhớ lại: “Tuần trước trên đường đi làm về vào buổi tối, đột nhiên có một con chó chạy vụt qua đầu xe, do bất ngờ nên tôi đã không làm chủ được tay lái và ngã vật xuống đường dẫn đến gãy chân”.

Theo thống kê, mỗi năm, cả nước xảy ra từ 400.000 - 500.000 trường hợp bị chó cắn phải điều trị dự phòng gây lo lắng hoang mang, rất tốn kém và mất thời gian. Trong đó, có từ 80 - 100 trường hợp tử vong do lây các bệnh từ chó, mèo.

Chưa hết bàng hoàng vì bị chó dữ tấn công, bà Nguyễn Thị Bình cư dân khu The Spark Dương Nội, Hà Đông bức xúc: “Cách đây vài ngày, khi đang đi dạo trong khuôn viên chung cư thì tôi bị 2 con chó thả rông đuổi bám theo. May mắn lúc đó chủ của 2 con chó ở gần nên xử lý kịp, nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”. Tuy không bị thương, nhưng điều bà Bình bức xúc là dù trong chung cư đã quy định rõ phải đeo rọ mõm và có dây xích khi thả chó ra ngoài, nhưng nhiều khi chủ nuôi vẫn bất chấp để chó chạy rông theo chủ.
Thay đổi từ ý thức chủ nuôi
Những tai nạn thương tâm trên đã thêm hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng phớt lờ, bất chấp các quy định về vệ sinh dịch tễ và an toàn của các chủ nuôi. Tuy nhiên, những cái chết, sự lo lắng khôn nguôi đó dường như chưa đủ để cộng đồng nhận thức rõ đang có biết bao mối nguy đe dọa sự an toàn cuộc sống từ đông đảo số chó nuôi thả, không rọ mõm, thậm chí không tiêm phòng bệnh dại.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thừa nhận: Thời gian qua công tác quản lý chó nuôi trên địa bàn TP còn quá buông lỏng. Hiện nay chính quyền các cấp ở nhiều nơi chưa quyết liệt, cụ thể chưa cương quyết yêu cầu chủ nuôi chỉ nuôi trong khuôn viên gia đình, quản lý nuôi xích, nhốt hoặc đeo rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng và tổ chức tiêm phòng vaccine bắt buộc cho chó theo quy định. Chưa công khai và chưa có biện pháp xử lý nghiêm các hộ không đăng ký chó nuôi, thả rông chó, không chấp hành tiêm phòng vaccine dại cho chó.
Bên cạnh đó, chưa thực hiện việc thông tin trên các phương tiện truyền thông của địa phương (loa, đài) và niêm yết tại trụ sở của UBND xã, phường, khu dân cư, tổ dân phố đối với các hộ có nuôi chó. Mặt khác, việc thành lập tổ bắt chó thả rông theo quy định và chưa áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi không chấp hành quy định về quản lý chó nuôi. Vẫn còn quá nhiều việc nể nang chưa coi trọng quyết liệt trong việc quản lý chó nuôi. Chưa xử lý chủ nuôi chó vi phạm Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày 15/9/2017.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, giải pháp căn cơ nhất hiện nay để hạn chế tình trạng chó thả rông nằm ở chính chủ vật nuôi. Pháp luật không cấm nuôi chó, tuy nhiên người nuôi chó phải chủ động trông giữ, nuôi nhốt cẩn thận để tránh trường hợp chó tấn công người. Chủ nuôi cần có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng mình đang sống thay vì chờ chính quyền nhắc nhở, xử phạt.
Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định: Chủ nuôi chó sẽ bị xử phạt với các hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt hoặc chưa chích ngừa vaccine bệnh dại… khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. Cũng theo Nghị định này, chủ tịch UBND cấp xã, phường có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không rọ mõm hoặc không tiêm phòng bệnh dại cho chó…