Giải pháp phát triển bền vững ngành lâm nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo "Vai trò của giao đất, giao rừng đối với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp...

Kinhtedothi - Tại hội thảo "Vai trò của giao đất, giao rừng đối với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp" vừa được Tổ chức Forest Trends và Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tổ chức hôm 16/4, các chuyên gia đều cho rằng, việc giao đất, giao rừng cho người dân sẽ khắc phục tình trạng đất đai phân tán, tỷ lệ đầu tư chưa cao, từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững ngành lâm nghiệp.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 15,4 triệu héc ta đất lâm nghiệp, trong đó có trên 13 triệu héc ta đất có rừng. Từ cuối những năm 80, Chính phủ đã thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ dân nhưng đến nay, việc thực hiện chính sách này vẫn còn những hạn chế nhất định. Ông Trần Hữu Nghị - đại diện nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends cho biết, bình quân mỗi hộ chỉ được giao dưới 3ha đất lâm nghiệp với 2 - 3 mảnh/hộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành công nghiệp chế biến gỗ ngày càng phát triển, yêu cầu nguồn nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng, đất đai phân tán là một trong những tác nhân hạn chế đối với ngành chế biến gỗ.

 
Chế biến gỗ tại lâm trường Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quang Thiện
Chế biến gỗ tại lâm trường Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quang Thiện
Điều đáng nói là diện tích rừng sản xuất được giao cho các hộ dân mới đạt hơn 60%, còn lại do lâm trường quốc doanh, UBND xã quản lý. Trong khi đó, nhiều lâm trường quốc doanh hoạt động kém hiệu quả và vai trò quản lý của UBND xã cũng còn yếu kém. Thêm nữa, tỷ lệ hộ gia đình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp mới đạt khoảng hơn 85%, song chưa được bàn giao đất trên thực địa. Do đó, người dân chưa coi đất rừng là tài sản để sản xuất kinh doanh vì không có giá trị thế chấp vay vốn ngân hàng. GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đánh giá, trong chính sách giao đất nông nghiệp, Nhà nước đã mạnh dạn chuyển hướng từ giao đất cho HTX sang giao cho các hộ dân. Chính sách này đã mang lại hiệu quả tích cực, từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu... Tuy nhiên, việc giao đất lâm nghiệp lại đang được thực hiện khá dè dặt.

Lâm nghiệp là lĩnh vực đầu tiên được Bộ NN&PTNT phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành vào tháng 7/2013. Mục tiêu của đề án đặt ra là phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm, tăng giá trị sản xuất bình quân 4 -  4,5%/năm và đặc biệt là góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng núi. Theo các chuyên gia, việc thực hiện giao đất, giao rừng là biện pháp hiệu quả để tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển kinh tế từ rừng, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo mục tiêu đã đề ra. Trong đó, bên cạnh việc chuyển diện tích rừng do UBND xã hiện quản lý (hơn 2 triệu héc ta) và các lâm trường hoạt động kém hiệu quả giao cho các hộ dân, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế giao đất rừng, đảm bảo diện tích đất được giao thuê thực sự trở thành tài sản của các hộ dân. Đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích tích tụ đất đai, liên kết hình thành các chuỗi sản xuất trong lâm nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm...