Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp phát triển hài hòa và bền vững vùng Thủ đô mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vùng phụ cận trung tâm Thủ đô hiện có nhiều khu vực kinh tế - xã hội còn thấp, đời sống dân cư nhiều khó khăn, hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn bất cập. Vậy phải cải biến các khu vực, địa bàn này theo hướng nào, bằng cách nào, theo lộ trình nào, để vừa có thể chuyển hóa thành những phần hữu cơ của Thủ đô, vừa không gây nên những "chấn thương" cho chính nó và cho tổng thể Hà Nộ

Lộ trình tối ưu

Nội dung chính của lộ trình xây dựng và phát triển vùng phụ cận của trung tâm Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 là tập trung ưu tiên các nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông và đô thị trên cơ sở quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu và chi tiết, quy hoạch các ngành và lĩnh vực chủ yếu, tập trung đầu tư cho các trục giao thông chính để tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất phát triển. Đến 2015, Hà Nội sẽ phủ kín cơ bản các quy hoạch (QH chung, QH xây dựng vùng huyện, QH phân khu, QH nông thôn mới, QH chuyên ngành…); hoàn thành các QH chi tiết trọng điểm: Trung tâm Tây Hồ Tây, QH hai bên bờ sông Hồng, trục không gian Cổ Loa - Hồ Tây, QH hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, Hồ Tây - Ba Vì, Bắc Thăng Long - Nội Bài; hoàn thành QH giãn dân phố cổ…

Giai đoạn 2015 - 2020 tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông và đô thị để đảm bảo sự đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, nhiệm vụ trọng tâm là ưu tiên thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các khu đô thị, khu công nghiệp, khu công nghệ cao theo quy hoạch được duyệt. Đặc biệt là các khu công nghệ cao, khu công nghiệp xanh - sạch và đầu tư sản xuất làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch... Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, phấn đấu đưa vào vận hành ít nhất 2 tuyến đường sắt đô thị; đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 35 - 45% nhu cầu đi lại của nhân dân.

Giai đoạn 2020 - 2025, sau khi hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật khung và đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất phát triển ở vùng phụ cận thì cần trở lại ưu tiên chỉnh trang đô thị trung tâm, trên cơ sở dân số đã được điều hòa, phân bố khá đồng đều giữa các vùng trên địa bàn Thủ đô để tạo ra diện mạo xanh, sạch, đẹp, cổ kính... của trung tâm Thủ đô; nhằm duy trì văn hóa truyền thống và biểu tượng Thủ đô; phát triển các loại hình thương mại, du lịch khu vực nội đô... Thủ đô Hà Nội vẫn là trung tâm đào tạo lớn nhất của cả nước, với khoảng 65 - 70 vạn sinh viên. Khu vực ngoại ô đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh thuộc Hà Nội đảm nhận khoảng 55 vạn sinh viên, trong đó đô thị đại học Hòa Lạc khoảng 20 vạn, Xuân Mai khoảng 10 - 12 vạn. Khu vực nội đô Hà Nội giảm quy mô đào tạo từ 66 vạn sinh viên hiện nay xuống tối đa khoảng 20 vạn, ưu tiên đào tạo chất lượng cao sau đại học, hạn chế đào tạo cao đẳng.

Đến 2050 là giai đoạn đi vào phát triển ổn định. Đối với khu đô thị lõi lịch sử, phát triển tập trung trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, lịch sử, thương mại, du lịch nội đô; bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; phát triển theo tính chất đặc trưng của từng vùng, gắn kết các đô thị vệ tinh với trung tâm Hà Nội và lan tỏa ra ngoài phạm vi Thủ đô, nhằm đưa Hà Nội trở thành một Thủ đô xứng tầm.

Giải pháp phát triển

Để thực hiện tốt lộ trình đó, trước hết cần phân cấp trong quản lý nhà nước (QLNN) đối với việc cải biến vùng phụ cận trung tâm Thủ đô. Việc phân cấp QLNN trên bất kỳ lĩnh vực nào trong xây dựng và phát triển Thủ đô cũng là vấn đề đáng quan tâm. Tuy nhiên, việc phân cấp QLNN đối việc cải biến vùng phụ cận là hết sức quan trọng vì liên quan tới việc xác định thẩm quyền của các cấp trong việc quyết định hướng đi và giải pháp cho vùng này. Việc cải biến vùng phụ cận phải được đặt trong tổng thể việc xây dựng Thủ đô "Văn hiến, hiện đại, anh hùng, vì hòa bình". Bởi nếu không tiến hành nhất quán như vậy, Hà Nội có thể lớn, rộng, đông dân, nhưng không mạnh, không văn hiến, không hiện đại. Từ đó, khó có thể là đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt; khó có thể được nhân loại coi là biểu tượng của hòa bình, hữu nghị; càng khó trở thành nhân tố thúc đẩy tình đoàn kết và hữu nghị của quốc tế đối với Việt Nam. Việc làm này đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của tất cả bộ máy nhà nước các cấp.

Giải pháp cho vấn đề thiết kế Thủ đô cũng rất khó khăn bởi tính đặc biệt của Hà Nội: là Thủ đô lớn nhất nhì Đông Nam Á và thiết kế cải tạo sản phẩm cũ. Việc xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh chính là việc sửa chữa Hà Nội cũ, cả về quy mô và cấu trúc. Phương án cần tính tới là thuê nước ngoài thiết kế nhưng với tư cách chủ nhân cần phải đặt hàng rõ ràng với nhà thiết kế là cần một Thủ đô có khả năng gánh vác những trọng trách, sứ mạng đối với sự phát triển của Tổ quốc, bao gồm nội dung phát triển và hình thức tổ chức nội dung đó. Còn về việc tự thiết kế, thì cũng cần tiến hành theo nhiều bước, có bước thiết kế tổng thể nội dung phát triển của Thủ đô, thiết kế sơ bộ việc phân bố các nội dung đó, với các khu vực chuyên môn hóa trong phát triển của Thủ đô, rồi đến thiết kế quy hoạch cụ thể các phần nội dung của Thủ đô, cuối cùng là thiết kế chi tiết các khu vực, địa bàn cụ thể cấu thành Thủ đô dưới dạng các dự án đầu tư xây dựng và phát triển.