Giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ TP, khóa XV trình Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội đã đề cập toàn diện các vấn đề của cuộc sống phong phú của TP, đó là điều tất yếu.

Trong đó, công tác xây dựng Đảng cũng được đánh giá khá toàn diện, tuy nhiên có một số điểm cần làm rõ nét hơn. 

Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI)

Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) là trọng tâm của công tác xây dựng Đảng trong suốt nhiệm kỳ. Đảng bộ TP Hà Nội đã nhận thức sâu sắc vấn đề này. Như Dự thảo Báo cáo đã nhận định: “Công tác chỉ đạo thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) được tiến hành đồng bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng”. Thành ủy đã đề ra và nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp chủ yếu của Nghị quyết và quyết tâm tổ chức thực hiện là một thành quả rất đáng ghi nhận. Nhóm giải pháp tự phê bình, phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được triển khai nghiêm túc. Tuy nhiên, cần phân tích sâu sắc và đưa ra một vài dẫn chứng cụ thể về những chuyển biến đã đạt được từ việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 thì tính thuyết phục sẽ cao hơn.
Toàn cảnh Hội nghị cán bộ Thành phố học tập, quán triệt Nghị quyết T.Ư 4(khóa XI). 	 Ảnh: Hải Linh
Toàn cảnh Hội nghị cán bộ Thành phố học tập, quán triệt Nghị quyết T.Ư 4(khóa XI). Ảnh: Hải Linh
Trong phần phương hướng tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4, nhằm xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, đồng tình với việc tập trung giải quyết tốt ba vấn đề cấp bách về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ, nhưng cần viết gọn như sau: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.  Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực thi nhiệm vụ và quyền hạn.

Cụ thể hơn các giải pháp

Dự thảo Báo cáo trong phần phương hướng có nêu: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp”. Đồng tình với vấn đề này, tuy nhiên đề nghị nêu ra những nội dung cụ thể thì việc triển khai mới tốt. Vì xét ở tầm vĩ mô, đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng và Bộ Chính trị với Quốc hội là một quá trình gian khổ, vất vả, đấu tranh và đồng tình. Hoạt động của Quốc hội có chuyển biến, được Nhân dân cả nước gửi gắm, tin cậy là thành quả của sự đổi mới đó. Tôi cũng đồng tình với nội dung: “Đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc của cấp ủy và hệ thống chính trị các cấp, thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, kỷ cương, gần dân, vì dân, lắng nghe ý kiến phản biện, kiến nghị của Nhân dân, bám sát thực tiễn cơ sở, thực hiện nói đi đôi với làm”.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Dự thảo Báo cáo nêu rõ: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ”. “Chú trọng các giải pháp phòng ngừa đi đôi với xử lý nghiêm minh mọi vi phạm...”.

Hiện nay tình trạng tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, những giải pháp trong thời gian vừa qua đưa ra chưa đạt hiệu quả cao. Vì thế các giải pháp đưa ra trong nhiệm kỳ tới cần rất cụ thể thì mới mong đạt được yêu cầu. Đề nghị nêu rõ những vấn đề sau: Rà soát những sơ hở, thiếu sót trong các quy định pháp luật hiện nay, qua thực tiễn ở TP, chủ động đề xuất với các cơ quan Nhà nước ở T.Ư để bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Quy hoạch là vấn đề quan trọng, tham nhũng và lãng phí ở khâu này rất lớn, cần bổ sung thêm về nội dung này. Đất đai, tài nguyên là một trong những khâu tham nhũng nặng nhất, trong Dự thảo cần phê phán những hành vi này, đồng thời đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục. Tăng cường quản lý bằng các quy định cụ thể trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư, mua sắm tài sản công. Đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ bảo đảm công khai, dân chủ.  Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị  và công tác phối hợp giữa các cơ quan phòng, chống tham nhũng.  Rà soát bổ sung và xây dựng thêm các quy chế để phát huy tốt vai trò của HĐND, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc giám sát đối với đảng viên, cán bộ, công chức và hoạt động của các tổ chức, cơ quan Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm nghiêm minh, kịp thời.