Chuyên gia lưu ý, xây nhà ở xã hội cần chú ý đến vấn đề chất lượng để bảo đảm an toàn cho người lao động sinh sống.
Hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về Đề án đầu tư dây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân xây khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2023, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành địa phương từng bước triển khai mục tiêu này. Tại tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động” ngày 24/9, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Văn Nghĩa cho biết: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ trong chương trình phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Trách nhiệm lớn nhất của Tổng Liên đoàn là chăm lo cho người lao động, đã xem xét đầu tư theo hình thức nào cho phù hợp và báo cáo Quốc hội chỉ làm nhà cho thuê, chứ không bán. Đến nay, Tổng Liên đoàn đã ban hành Nghị quyết số 09c/NQ-BCH về điều chỉnh giảm tỷ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn; tiết giảm một số khoản để dành tiền xây nhà ở cho công nhân.
Năm 2022, Tổng Liên đoàn đề xuất 3 quỹ, trong đó quỹ kết dư của năm có 20% dành cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Hai nguồn này có thể xây dựng hàng chục khu nhà ở cho công nhân. Thêm nữa, hằng năm Tổng Liên đoàn có nguồn vốn vay để xây dựng nhà ở xã hội.
Xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội là Đề án rất lớn, cần số vốn khoảng 850.000 tỷ đồng, tương đương 34 tỷ USD (thời giá năm 2023). Trao đổi tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, căn cơ để phát triển phải có nguồn vốn ổn định, lãi suất ưu đãi, ổn định.
Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu của Đề án cần phải chuẩn bị tốt quỹ đất và nguồn vốn. Đặc biệt là cần có cơ chế chính sách và nguồn vốn để người có thu nhập thấp vay vốn với lãi suất thấp, thời gian vay dài hạn (15 - 20 năm) để mua và thuê nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, khi chúng ta đã có chủ trương xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân thì đề nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng lên kế hoạch lấy nguồn tiền ở đâu, quỹ đất nào, ai ở địa phương chịu trách nhiệm. Ngoài chuyện số lượng nhà ở xã hội thì phải rất chú ý đến chất lượng. Những người nào được giao nhiệm vụ thì phải có trách nhiệm thực hiện đến từng mét vuông nhà.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Đặng - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn N&G, là đơn vị thực hiện xây nhà ở cho công nhân cho rằng: đầu tư nhà ở xã hội là đầu tư an sinh, giá rẻ. Để DN mặn mà hơn trong việc xây dựng nhà ở xã hội, ngoài quy định chính sách thì cần sự hỗ trợ nhiều hơn về nguồn vốn. Hiện nay DN tiếp cận nguồn vốn 5% rất khó khăn nên chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần có chính sách nguồn vốn hỗ trợ tối đa để DN phát triển nhà ở xã hội cũng như khu lưu trú cho công nhân tại khu công nghiệp được tốt hơn.
Cùng với việc quan tâm đến 1 triệu căn nhà ở xã hội, các diễn giả cũng quan tâm đến phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp, nội dung này được đưa vào Luật Nhà ở (sửa đổi). Về việc này, bà Bùi Thị An cho rằng, luật hóa là cần thiết, bởi đây là hành lang pháp lý để bảo đảm cho tất cả DN cũng như người thực thi không bao giờ lo chuyện vi phạm luật.
Ở các nước, người ta thuê nhà nhiều hơn mua (cũng bởi có tập quán riêng); còn ở Việt Nam thì mọi người rất coi trọng có nhà nhưng chuyện này từ từ. “Tôi ủng hộ quan điểm cho thuê nhà nhiều hơn mua. Khi còn làm đại biểu Quốc hội khóa 13, trong những buổi họp Quốc hội, tôi đã kiến nghị Chính phủ lo chuyện xây nhà cho công nhân và cho người lao động thuê là chính” – bà Bùi Thị An cho hay.
Bàn về tính khả thi của việc phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân các khu công nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh: nhà lưu trú công nhân được đầu tư xây dựng chủ yếu trên đất thương mại, dịch vụ tại các khu công nghiệp để cho công nhân thuê. Trên thực tế, mô hình này đã được một số nhà máy, khu công nghiệp đầu tư xây dựng như: Viglacera, Samsung Thái Nguyên... nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở của công nhân.
Nhà lưu trú là loại hình mới mà Chính phủ đầu tư; các DN không mặn mà vì hiệu quả nguồn vốn và cạnh tranh với các khu nhà trọ dân doanh. Vì thế, nếu chúng ta có cơ chế chính sách tốt cũng như tạo quỹ đất ưu đãi về vốn vay thì sẽ huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư loại hình nhà lưu trú cho công nhân.