Giải phóng mặt bằng cần tập trung vào cả dự án đầu tư công và vốn ngoài ngân sách

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/10, Đoàn giám sát số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Phúc Thọ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU và Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy Hà Nội. Cùng tham gia đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức; lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết, huyện Phúc Thọ được TP Hà Nội quy hoạch là vùng sinh thái, phát triển du lịch và nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Nhân dân trong huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, đang trên đà phát triển.

Trước năm 2016, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (công tác GPMB) và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) mặc dù gặp nhiều khó khăn, phức tạp nhưng đã được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện.
UBND huyện đã ban hành Đề án đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo đó trong giai đoạn năm 2013 - 2015, toàn huyện cấp được 4.333 giấy chứng nhận. Các dự án có thu hồi đất được thực hiện đúng quy trình, tiến độ, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích của Nhân dân.

 Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu trong buổi giám sát tại huyện Phúc Thọ.

Từ năm 2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 09-CT/TU và Nghị quyết 08-NQ/TU, công tác GPMB, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đại bàn huyện có nhiều thuận lợi hơn, đạt nhiều chuyển biến tích cực. Ban Thường vụ Huyện ủy Phúc Thọ đã tăng cường chỉ đạo, quán triệt nghiêm túc Nghị quyết số 08-NQ/TU, Chỉ thị số 09-CT/TU và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, thường xuyên giao ban nắm bắt tiến độ, tháo gỡ khó khăn liên quan đến nhiệm vụ trên.

Kết quả từ tháng 10/2016 đến tháng 8/2021, huyện thực hiện công tác GPMB 76 dự án. Trong đó, đã hoàn thành GPMB 66 dự án, 10 dự án đang thực hiện. Tổng diện tích đất thu hồi là 128.411ha với 3.084 hộ bị ảnh hưởng, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB trên 550 tỷ đồng.  Việc chi trả bồi thường, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ tháng 10 năm 2016 đến nay huyện đã cấp 3.305 giấy chứng nhận, với tổng số thửa 45.551, đạt tỷ lệ 96,2%.

Mặc dù đạt kết quả tích cực, song lãnh đạo huyện Phúc Thọ thừa nhận, một số dự án thực hiện giải GPMB còn chậm; một số đơn thư, khiếu nại về đất đai đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm; còn một số trường hợp vướng mắc chưa được tháo gỡ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhân dân.

Nguyên nhân do nguồn gốc đất đa dạng, phức tạp, chính sách về đất đai, cán bộ địa chính thay đổi qua nhiều thời kỳ; chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp; việc thể chế hóa còn chậm; ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một số người dân còn hạn chế…

Cùng với đó, trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý đất đai còn hạn chế, khối lượng công việc nhiều; hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai chưa hoàn chỉnh, còn sai sót.. “Thời gian tới, huyện Phúc Thọ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức; phối hợp chặt chẽ với các ngành, chủ đầu tư nhằm bảo đảm hoàn thành tiến độ thực hiện các dự án và hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn” – ông Doãn Trung Tuấn nêu.

Sau khi các thành viên Đoàn giám sát phát biểu trao đổi, lãnh đạo huyện Phúc Thọ tiếp thu giải trình, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận huyện Phúc Thọ đã tập trung, nghiêm túc trong việc chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy Hà Nội.

Cụ thể, huyện đã triển khai xây dựng các kế hoạch thực hiện, triển khai sâu rộng đến toàn thể hệ thống chính trị của huyện cùng với việc chú trọng công tác tuyên truyền, dân vận... Từ đó tạo được sự đồng thuận rất lớn của người dân trong công tác GPMB và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, huyện đã tổ chức tốt việc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với người dân về các vấn đề này. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiện toàn bộ máy cũng được huyện thực hiện tốt, có cách làm sáng tạo, do đó không chỉ kết quả thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Thành ủy mà công tác phòng, chống dịch vừa qua cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, công tác GPMB một số dự án trên địa huyện vẫn còn chậm, còn một số đơn thư, cấp giấy chứng nhận cho đất tôn giáo còn chậm…
Vì vậy, trong thời gian tới, huyện cần tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TU và Chỉ thị số 09-CT/TU, góp phần thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy chính quyền, có phương pháp làm quyết liệt, định lượng cụ thể công việc. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó đặc biệt là vai trò của cấp ủy chính quyền.

Huyện cũng cần cần xây dựng chuyên đề về vấn đề nêu trên để nhận diện những khó khăn vướng mắc tập trung tháo gỡ. Trong đó tập trung vào công tác GPMB vào dự án quan trọng kể cả dự án ngân sách và ngoài ngân sách. Những khó khăn vướng mắc ngoài thẩm quyền giải quyết phải chủ động phối hợp các sở, ngành của TP, T.Ư để đề xuất tháo gỡ.

Tiếp tục làm tốt công tác tiếp công dân, tăng cường đối thoại với người dân, xử lý kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại với người dân và công khai các dự án, tạo đồng thuận cao trong thực hiện, triển khai các dự án trên địa bàn huyện. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, HĐND huyện, giám sát chuyên đề, nhằm tạo chuyển biến mới trong quản lý đất đai, thực hiện GPMB, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Từ giờ đến cuối năm 2021, trong phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều đầu việc liên quan đến nhiệm vụ 5 năm. Do đó, huyện cần rà soát lại các quy hoạch như quy hoạch khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị… bất cập ở đâu cần sớm điều chỉnh, bổ sung để đúng với các quy định của pháp luật, phù hợp quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Đồng thời tập trung không được lơi là trong công tác phòng, chống dịch, tập trung tháo gỡ khó khăn phục hổi sản xuất kinh doanh…” - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh
Nghị quyết số 08-NQ-TU về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”.

Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liên với đất trên địa bàn TP”.
 
New layer...