Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết các "điểm nghẽn" nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu đang được cả thế giới thực hiện và Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Hơn nữa, chuyển đổi số là việc làm mới, khó, nhạy cảm, đòi hỏi phải có nguồn lực, trí tuệ, thời gian và các điều kiện cần thiết khác.

Ngày 12/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án “Phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Cùng dự có: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Trần Hồng Hà. Phiên họp và Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh, cùng đại diện Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, Ban chỉ đạo 06 TP Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan triển lãm mô hình, sản phẩm ứng dụng triển khai Đề án 06 - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan triển lãm mô hình, sản phẩm ứng dụng triển khai Đề án 06 - Ảnh: VGP

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu đang được cả thế giới thực hiện và Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Hơn nữa, chuyển đổi số là việc làm mới, khó, nhạy cảm, đòi hỏi phải có nguồn lực, trí tuệ, thời gian và các điều kiện cần thiết khác. Đảng, Nhà nước ta đã chỉ đạo, lãnh đạo và đưa chuyển đổi số vào cả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để triển khai; sau đó, Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Công an đã tích cực triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị 
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị 

Nhận định Việt Nam có cơ sở dữ liệu dân cư tương đối tốt, triển khai nhanh, “đi sau, về trước” so nhiều nước, tuy nhiên, theo Thủ tướng, cần hoàn thiện hơn nữa, từ đó, xác định cơ sở dữ liệu là trung tâm, quan trọng, cấp bách. “Chúng ta muốn phục vụ con người tốt phải có cơ sở dữ liệu tốt và chúng ta đang triển khai đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề án 06 đang được triển khai rất tích cực và đạt được kết quả quan trọng. Năm 2023 được chọn là Năm “Dữ liệu Số Quốc gia”. Các bộ, ngành, địa phương đều có cơ sở dữ liệu riêng, song, cần được kết nối, liên thông thành cơ sở dữ liệu chung quốc gia.

Để thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và thực hiện Đề án 06 nói riêng, phải có khoa học công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị đánh giá thực chất tình hình, kết quả đạt được trên tinh thần khách quan, trung thực; nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn; phát hiện đúng các nguyên nhân; những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai Chuyển đổi Số Quốc gia và Đề án 06; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới, cũng như trong dài hạn... nhằm đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023 với kết quả cao hơn năm 2022.

Thực hiện hiệu quả Đề án 06

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các "điểm nghẽn" nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.

Các đại biểu dự tại điểm cầu TP Hà Nội.
Các đại biểu dự tại điểm cầu TP Hà Nội.

Đáng chú ý, đã xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng, xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai "trợ lý ảo" trong ngành tòa án; tăng tốc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa… Ước tính sơ bộ, tỉ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.

Về cơ sở dữ liệu, đến tháng 6/2023, với sự quyết tâm của Bộ Công an trong tổ chức triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư. Đã tiếp nhận tổng số 1.014.473.517 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân. Trong đó, số yêu cầu tra cứu, xác thực có thông tin đúng (100% trùng khớp các thông tin) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 604.825.046 yêu cầu; có thông tin sai lệch là 409.648.471 yêu cầu.

Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với tiến độ thần tốc (trong vòng 6 tháng đạt khoảng 95% cơ quan, đơn vị) so với thời gian để các cơ sở dữ liệu quốc gia trước đó đạt mức độ bao phủ tương tự. Tính đến hết ngày 30/6/2023, đã có 96 bộ, ngành, địa phương (33 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố) hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.  

Về hạ tầng số, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021-2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023. Trong khi đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có chuyển biến rõ rệt.

Lũy kế đến nay, Cổng có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,76 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng (tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái)… 

Giải quyết các "điểm nghẽn" nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh - Ảnh 1
Quang cảnh hội nghị

Thời gian qua, việc thực hiện Đề án “Phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), có nhiều chuyển biến. Nổi bật, các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Nhiều dịch vụ công được người dân hưởng hứng tham gia thực hiện với tỷ lệ cao.

Hàng năm, tiết kiệm cho nhà nuớc khoảng 2.505 tỷ đồng. Một số thủ tục hành chính tiết kiệm như: Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội) tiết kiệm 479,09 tỷ đồng; Thi tốt nghiệp THPT quốc gia tiết kiệm 280,9 tỷ đồng...

Các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội được thúc đẩy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo ra giá trị cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, việc đẩy mạnh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, khởi tạo từ máy tính tiền của giúp Chính phủ truy thu được 485 tỷ đồng tiền thuế.

Ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh té xã hội trên các lĩnh vực. Điển hình như: làm sạch thông tin tín dụng, xác thực thông tin thuê bao giúp các nhà mạng tiết kiệm 143 tỷ đồng; xác thực, làm sạch, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả với 141,7 tỷ đồng dưới hình thức không dùng tiền mặt; ứng dụng tài khoản VNelD mức độ 2 với hành khánh đi tàu bay (chuyến bay nội địa); xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD tại các cơ sở khám chữa bệnh, giảm quy trình 4 bước xuống còn 2 bước…

Trong công tác phòng, chống tội phạm, thông qua CCCD, VNelD tạo lập tài khoản và giám sát được việc thu thuế. Việc ứng dụng dữ liệu dân cư phát huy hiệu quả trong công tác bắt giữ đối tượng truy nã; xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay, đảm bảo chính xác danh tính, phòng ngừa tội phạm lừa đảo, hạn chế rủi ro…

 

Khai mạc triển lãm giới thiệu các mô hình chuyển đổi số

Chiều 12/7, trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ, tại trụ sở Chính phủ, Bộ Công an đã tổ chức triển lãm giới thiệu các mô hình chuyển đổi số đang được ứng dụng trên thực tế.

Triển lãm gồm nhiều gian hàng tích hợp, ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, đem đến cho người xem góc nhìn toàn cảnh về nỗ lực thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trong thời gian qua và những thành tựu về chuyển đổi số mà người dân đang được thụ hưởng, như việc tích hợp căn cước công dân gắn chíp trong lĩnh vực y tế, ngân hàng, giải quyết thủ tục hành chính…

Toàn cảnh triển lãm được giới thiệu qua mô phỏng 3D
Toàn cảnh triển lãm được giới thiệu qua mô phỏng 3D

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Đề án 06 đã đi đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng từ xác thực dữ liệu.

Tính đến nay, Bộ Công an đã thu nhận 37,1 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử; có 16,5 triệu tài khoản kích hoạt, đã cấp hơn 80,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Với nền tảng căn cước công dân gắn chíp đã ứng dụng trên các lĩnh vực, tạo được kết quả nổi bật. Cụ thể, đã có 12.434/13.068 cơ sở khám chữa bệnh triển khai bằng căn cước công dân gắn chíp tích hợp bảo hiểm y tế, với 36.412.474 công dân sử dụng căn cước công dân đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc; triển khai công nghệ xác thực sinh trắc học trên thẻ căn cước công dân gắn chíp tại các cơ sở khám chữa bệnh…