Giải quyết các vấn đề về tài chính Mỹ-Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn là quốc gia nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất so với bất kỳ nước nào trên thế giới (khoảng 1.150 tỷ USD).

KTĐT - Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn là quốc gia nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất so với bất kỳ nước nào trên thế giới (khoảng 1.150 tỷ USD).

Trong cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ ba đang diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ, quan chức hai nước cam kết giải quyết các bất đồng liên quan đến vấn đề tài chính, quy chế và thương mại.

Trong phiên khai mạc ngày 9/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy F. Geithner ghi nhận Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ liên quan tới vấn đề tỷ giá hối đoái và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu.

Ông cũng kêu gọi Trung Quốc cải tổ hệ thống tài chính, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ sẽ cải thiện hơn nữa nền tài chính nói chung.

Bộ trưởng Geithner cho rằng, quan hệ Mỹ-Trung là mối quan hệ rất quan trọng đối với sự ổn định của nền kinh tế thế giới. Vì vậy, theo ông, Trung Quốc cần phải chuyển dịch nền kinh tế theo hướng đáp ứng nhu cầu nội địa, trong khi Mỹ sẽ tập trung vào thị trường lao động và hệ thống tài chính.

Quan chức tài chính Washington nhấn mạnh các cuộc cải cách mà hai nước tiến hành nhằm giải quyết những thách thức rất khác nhau nhưng không hề đối lập và sự tăng trưởng của hai nền kinh tế đang bổ sung cho nhau. Ông nêu rõ Mỹ và Trung Quốc sẽ phối hợp, xây dựng quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn thông qua các cuộc đối thoại.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nhận định, nền kinh tế Mỹ đã phát đi những tín hiệu đáng khích lệ. Tuy nhiên, ông đồng thời cảnh báo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức và khó khăn mới.

Ông thừa nhận "đã có sự va chạm trong chính sách kinh tế của hai nước," nhưng khẳng định "cả hai nước vẫn chia sẻ lợi ích và hợp tác nhiều hơn những bất đồng và cạnh tranh."

Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn nêu rõ, Mỹ phải "đặt ra một biểu thời gian và lộ trình rõ ràng" trong việc đáp ứng các đòi hỏi của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế như giảm bớt sự khống chế đối với các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc tại thị trường Mỹ, công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho các công ty của Trung Quốc đầu tư làm ăn tại Mỹ cũng như tránh chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại.

Lãnh đạo Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại đối với thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ và ảnh hưởng của việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ mua nhiều trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ để kích thích nền kinh tế.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn là quốc gia nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất so với bất kỳ nước nào trên thế giới (khoảng 1.150 tỷ USD). Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã lên tới 18,8 tỷ USD tính đến hết quý I năm nay.

Tham dự phiên khai mạc vòng ba của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung còn có Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc cùng nhiều quan chức khác.

Phó Tổng thống Mỹ Biden cho biết, chính quyền của Tổng thống Barack Obama muốn Trung Quốc giải quyết tốt hơn vấn đề nhân quyền.

Trong khi đó, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc khẳng định, Bắc Kinh "đã đạt được tiến bộ lớn" về nhân quyền và ngỏ lời mời Mỹ tới thăm Trung Quốc để chứng kiến tận mắt những tiến bộ đó./.