Giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng tại Mường Nhé

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê từ năm 2013 đến tháng 6/2015 trên địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, diện tích rừng bị phá là 474,4ha.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo để giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Ủy ban Dân tộc cùng các đơn vị và các địa phương liên quan theo chức năng được giao có giải pháp đồng bộ hỗ trợ UBND tỉnh Điện Biên giải quyết triệt để, dứt điểm tình trạng dân di cư tự do phá rừng góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên có phương án cụ thể để ổn định số dân di cư đến huyện Mường Nhé trước ngày 30/4/2011, kiên quyết trả về địa phương cũ số dân di cư đến sau thời điểm này; phải có đề án ổn định dân cư để người dân di cư tự do được trả về nơi ở cũ có đất ở, đất sản xuất và không tái di cư tự do quay lại địa bàn huyện Mường Nhé.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Tăng cường quản lý nhà nước về rừng của chính quyền các cấp theo quy định tại Quyết định 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

UBND tỉnh Điện Biên tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ phá rừng theo quy định của pháp luật, đối với các vụ án đã khởi tố thì tập trung điều tra, kết luận chuyển Viện Kiểm sát truy tố và xét xử công khai các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật để răn đe giáo dục chung.

Đồng thời tổ chức kiểm tra, tổng kết việc thực hiện Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 12/1/2012 về bố trí sắp xếp ổn định dân cư; nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết đối với Đề án này.

Bên cạnh đó tập trung chỉ đạo việc vận động số dân di cư tự do trở về nơi ở cũ kết hợp với các biện pháp hành chính, cương quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, có kế hoạch trồng lại rừng ngay trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Việc cưỡng chế thu hồi rừng không để tạo ra “điểm nóng” và khiếu kiện đông người.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Điện Biên báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nội dung trên trong quí IV/2015.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống kê từ năm 2013 đến tháng 6/2015 trên địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, diện tích rừng bị phá là 474,4ha (369,8ha rừng phòng hộ; 104,5ha rừng sản xuất). Trong 6 tháng đầu năm 2015 đã phát hiện 157 vụ với diện tích thiệt hại là 143,11ha, diện tích rừng bị phá chủ yếu là diện tích rừng đã giao cho cộng đồng thôn bản tại địa phương.

Hành vi phá rừng ngày càng tinh vi, các đối tượng tổ chức phá rừng vào ban đêm, giờ nghỉ, ngày nghỉ; khi phá rừng cử người cảnh giới, số lượng người tham gia phá rừng đông từ 15 đến 20 người, có vụ lên tới 50 người; khi bị các cơ quan chức năng của huyện và xã phát hiện ngăn chặn thì tìm mọi cách lẩn trốn hoặc không hợp tác, đe dọa, chống đối người thi hành công vụ.

UBND tỉnh Điện Biên và huyện Mường Nhé đã có nhiều biện pháp tăng cường công tác bảo vệ rừng nhưng tình hình phá rừng vẫn không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp.

Theo báo cáo của tỉnh Điện Biên tình hình dân di cư tự do đến huyện Mường Nhé rất phức tạp với số lượng lớn, không có đất sản xuất, đời sống khó khăn nên đã phá rừng để lấy đất sản xuất; công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện để giải quyết xử lý các điểm nóng về phá rừng chưa chặt chẽ...