Giải quyết khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền lợi của công dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/8, Đoàn Giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn TP.

Kiên quyết xử lý nếu tiếp công dân chưa hiệu quả

Năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan hành chính của TP đã tiếp 47.857 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 35984 đơn tố cáo, khiến nại, kiến nghị, phản ánh; đã giải quyết 2768 vụ, chiếm 87%. Nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất để triển khai dự án, giao đất nông nghiệp theo nghị định 64/NĐ-CP, tranh chấp đất đai… Điển hình là các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân phường Dương Nội (Hà Đông), khiếu nại của tiểu thương, hộ kinh doanh chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Bưởi (Tây Hồ)…

Qua kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đã thu hồi 2.268 triệu đồng, 9.008m2 đất, trả lại cho người dân 446 triệu đồng, 32.806m2 đất, đồng thời xử lý kỷ luật 28 cá nhân, 12 tập thể.

 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo trao đổi với công dân. Ảnh: hanoi.gov.vn
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo trao đổi với công dân. Ảnh: hanoi.gov.vn
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, Hà Nội đã chủ động, kịp thời triển khai các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Lãnh đạo UBND TP đã thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ vào thứ Ba, tuần thứ 3 hằng tháng và thường xuyên tiếp, đối thoại với công dân, nhất là những vụ việc phức tạp, đông người, qua đó đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc bức xúc của công dân.

Ông Vũ Hồng Khanh cũng khẳng định, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của công dân, người khiếu nại, tố cáo, đồng thời cũng qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để nhìn lại công tác quản lý Nhà nước, chấn chỉnh những điểm còn hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết thêm, Hà Nội quyết tâm xử lý với những cán bộ cấp cơ sở chưa quan tâm thực hiện đầy đủ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân mang tính hình thức, chưa hiệu quả.

Chuyển đổi mô hình chợ truyền thống sang TTTM: Chủ trương đúng đắn

Tại buổi làm việc, ông Hà Công Long- Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát đã đặt câu hỏi về chủ trương chuyển đổi mô hình chợ truyền thống sang trung tâm thương mại (TTTM) nhân có đơn khiếu nại của tiểu thương, hộ kinh doanh chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Bưởi (Tây Hồ)…

Trả lời chất vấn của Đoàn giám sát, ông Vũ Hồng Khanh cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn bởi quy hoạch cơ sở vật chất của Hà Nội đang hướng đến xây dựng đô thị văn minh hiện đại, tiểu thương và các hộ kinh doanh có chỗ buôn bán đàng hoàng, tránh được nguy cơ cháy nổ. “Như chợ Ninh Hiệp ở Gia Lâm, chúng tôi đã khảo sát, nguy cơ cháy nổ là rất cao”, ông Khanh nói thêm.

Về hướng giải quyết đơn thư của các tiểu thương, hộ kinh doanh, ông Khanh cho biết sẽ tiếp tục giải thích, vận động người dân hiểu một cách đúng đắn về chủ trương cũng như định hướng quy hoạch của TP.

Ông Vũ Hồng Khanh cũng chỉ đạo đại diện các quận, huyện, sở, ngành trả lời chất vấn của Đoàn giám sát về trường hợp đơn khiếu nại của ông Trịnh Văn Tiến (quận Hai Bà Trưng), bà Chu Thị Lạc (Từ Liêm), ôn Nguyễn Văn Định (Tân Triều)…

Kết luận buổi làm việc, ông Hà Công Long đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, điều này thể hiện qua việc số lượng và tính chất các vụ việc đông người đã có chiều hướng giảm, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng cao, phần lớn các vụ khiếu nại đã khởi kiện hành chính, Tòa án các cấp đều thống nhất với kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính…