Giải quyết nhu cầu bãi đỗ xe: Tận dụng triệt để hạ tầng

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hạ tầng giao thông tĩnh còn quá nhiều khó khăn, nhu cầu lại gia tăng từng ngày, Hà Nội cần có những giải pháp đột phá để tận dụng triệt để nguồn hạ tầng sẵn có, nhằm giải quyết nỗi lo thường nhật về chỗ đỗ xe cho người dân.

 Bãi trông giữ xe tại gầm cầu vượt ngã tư Vọng. Ảnh: Văn Chương
Nhu cầu quá lớn
Theo thống kê, Hà Nội hiện có trên 6,5 triệu phương tiện giao thông, tốc độ gia tăng từ 10 - 15%/năm. Trong khi đó, quỹ hạ tầng dành cho giao thông tĩnh của TP mới chỉ đạt khoảng 1% trên tổng diện tích đất xây dựng, đáp ứng chỉ khoảng 10% nhu cầu đỗ gửi xe. Đặc biệt tại các quận nội thành, xung quanh các cơ sở y tế, trường học, công sở lớn, tìm kiếm một chỗ đỗ gửi xe là vấn đề gây “đau đầu” nhất với chủ phương tiện. Trong bối cảnh khó khăn bộn bề, thiếu vốn đầu tư, thiếu quỹ đất như hiện nay, Hà Nội ngày càng khó khăn hơn trong việc đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh.
Chính vì vậy, UBND TP Hà Nội đã đề xuất với Chính phủ và Bộ GTVT hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hạ tầng giao thông tĩnh, trong đó có việc tận dụng các khoang dưới gầm cầu, gầm đường trên cao để làm bãi đỗ xe. Trên thực tế, không chỉ Hà Nội, nhiều đô thị lớn tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)…, mô hình trông giữ xe dưới gầm cầu đã được thực hiện từ nhiều năm qua và cho hiệu quả rõ rệt.
Những năm qua, Hà Nội cũng đã thí điểm cho tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu tại 4 vị trí: Gầm cầu Vĩnh Tuy; Chương Dương (trông giữ phương tiện miễn phí phục vụ tuyến phố đi bộ và mở rộng không gian đi bộ khu vực phố cổ Hà Nội các tối cuối tuần từ thứ Sáu đến Chủ nhật trên địa bàn quận Hoàn Kiếm). Điểm trông giữ gầm cầu vượt Ngã tư Vọng, phục vụ Nhân dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai và gầm cầu vượt Mai Dịch.
Thông tư số 35/2017/TT - BGTVT do Bộ GTVT ban hành (sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 10 của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015), hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ. Trong đó có quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở; bãi để xe và các dịch vụ kinh doanh khác…”. Tuy nhiên, cả 4 vị trí trên đều đã được TP chấp thuận trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư số 35. Các điểm trông giữ này đã phát huy hiệu quả thực tế, góp phần giảm tải cho khu vực, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông Phạm Văn Huy (Phú Xuyên) cho biết: “Mỗi lần đến Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh, nếu không có chỗ gửi xe dưới gầm cầu, thực sự tôi không biết phải gửi ở đâu. Nhu cầu của người dân là rất lớn, bỏ trống gầm cầu mà không cho gửi thì quá lãng phí”.
Được giải cứu
Để có cơ sở tiếp tục duy trì các điểm đỗ xe dưới gầm cầu, năm 2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh Điều 1; Mục 3 của Thông tư 35/2017/TT-BGTVT, cho phép TP được tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên địa bàn đến hết năm 2023. Nhưng tại thời điểm đó, Bộ GTVT không chấp thuận.
Ngày 19/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/2019/NĐ - CP về tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021. Trong đó giao nhiệm vụ cho UBND TP Hà Nội rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe. Trên cơ sở đó, Hà Nội tiếp tục có ý kiến kiến nghị Bộ GTVT cho phép tổ chức một số điểm trông giữ xe dưới gầm cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần giảm tải cho hạ tầng giao thông tĩnh của TP.
 Gầm cầu Chương Dương. Ảnh: Vũ Điệp

Giữa tháng 3 vừa qua, Bộ GTVT chính thức chấp thuận đề xuất này. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ cũng đang rà soát để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan. Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, cập nhật nội dung trên vào các quy định của pháp luật để phù hợp với thực tiễn về nhu cầu bãi đỗ xe. Đồng thời, bảo đảm an toàn cháy nổ đối với các hoạt động trông giữ ô tô, xe máy cũng như an toàn cho người, phương tiện và công trình kết cấu hạ tầng giao thông.
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ, đây là tin vui với Hà Nội, cho thấy sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ của Chính phủ, Bộ GTVT… với Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần hết sức thận trọng trong việc tổ chức các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu, đặc biệt là việc lựa chọn đơn vị thực hiện, để vừa bảo đảm hiệu quả, vừa an toàn tuyệt đối.
Bảo đảm an toàn tuyệt đối
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND TP trong suốt quá trình xem xét, cấp phép, quản lý các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu. Cụ thể, các vị trí nêu trên đã được nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các yếu tố như tổ chức giao thông, an toàn cháy nổ, an ninh trật tự... Khi đáp ứng đủ các điều kiện này Sở GTVT mới đề xuất TP cấp phép. Hà Nội cũng sẽ tiếp tục yêu cầu các đơn vị khai thác đưa công nghệ cao vào ứng dụng, nhằm quản lý tốt hơn nữa, minh bạch hơn nữa các bãi trông giữ xe dưới gầm cầu.
Hiện, Hà Nội có không ít vị trí có thể xem xét tổ chức thành điểm trông giữ phương tiện như dưới gầm cầu Thanh Trì; đường Vành đai 3 trên cao, đoạn nút giao Pháp Vân - Hoàng Mai… Nhiều chuyên gia cho rằng, TP có thể tổ chức các cuộc thi ý tưởng, kêu gọi nhà đầu tư đưa ra phương án tối ưu nhất cho các điểm trông giữ này. Một nhà đầu tư (xin giấu tên) cho biết: "Nếu TP có chủ trương, cho phép nghiên cứu, chúng tôi sẽ trình lên một phương án toàn diện, bảo đảm cả về an toàn PCCC, ATGT, có tính thẩm mỹ và tiện dụng cao, hài hoà cho điểm trông giữ xe dưới gầm cầu cạn Vành đai 3, đoạn Pháp Vân - Hoàng Mai".
Có thể thấy, việc tận dụng tối đa “vốn liếng” hạ tầng sẵn có để đáp ứng nhu cầu về giao thông tĩnh đã thu hút được sự quan tâm, đồng thuận của cả người dân lẫn DN trên địa bàn Hà Nội. Việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện ra sao chỉ còn chờ các chỉ đạo cụ thể của UBND TP Hà Nội mà thôi. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng lưu ý, việc triển khai điểm trông giữ xe dưới gầm cầu trên địa bàn TP chỉ cho phép thực hiện không quá 2 năm.
Việc lập quy hoạch, kêu gọi đầu tư, xây dựng để có được chỉ một bãi đỗ xe có thể mất đến hàng năm trời. Với cơ sở pháp lý đầy đủ, Hà Nội có thể khai thác nhiều điểm trông giữ xe dưới các gầm cầu, gầm đường trên cao ngay, rút ngắn thời gian, nâng cao đáng kể khả năng đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần