Giải quyết những nút thắt, vực dậy đà tăng trưởng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm thế nào để khôi phục nông nghiệp nhằm đóng góp tốt hơn vào mục tiêu tăng trưởng, tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát...

Đây là những yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong ngày làm việc thứ 2 của Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6.

Hỗ trợ cho nông dân, ngư dân

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã làm nông nghiệp thiệt hại 16.900 tỷ đồng, bằng 0,9% GDP. Trong khi ngành trồng trọt giảm 3% thì ngành thủy sản do chịu thêm tác động từ sự cố môi trường ở miền Trung cũng khiến sản lượng khai thác giảm đáng kể. Trong những tháng còn lại năm 2016, giải pháp ngành nông nghiệp đặt ra là tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp tục duy trì và phát triển thị trường để tạo đầu ra cho sản phẩm, tận dụng mọi cơ hội để đẩy mạnh sản xuất.  Các địa phương cần tập trung liên kết vùng, tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm để  phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn lợi thế sản xuất lúa gạo, thủy sản, cây trái, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp thông minh cũng như tổ chức lại sản xuất… để ứng phó biến đổi khí hậu cũng như hội nhập quốc tế.
Dây chuyền sản xuất hàng điện tử tại Công ty TNHH Canon Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
Dây chuyền sản xuất hàng điện tử tại Công ty TNHH Canon Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
Liên quan đến việc khắc phục hậu quả sau sự cố Công ty Formosa xả thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường biển, đến sinh kế của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ tất cả những người bị ảnh hưởng. Ngoài ra, với các cơ sở du lịch bị ảnh hưởng cần có chính sách tín dụng, giảm thuế giúp các nhà đầu tư vượt qua khó khăn do khách hủy tour sau khi xảy ra sự cố. Đây cũng là ý kiến của một số tỉnh, thành bị ảnh hưởng trong sự cố môi trường nói trên.

Đề cập đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với số tiền 500 triệu USD mà Công ty Formosa cam kết bồi thường, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, cùng các Bộ Tài chính, TN&MT xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, trình Chính phủ sớm nhất để quyết định và đưa vào thực hiện kịp thời. Trong đó bao gồm chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ; Khôi phục môi trường biển; Hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân. “Hỗ trợ cho ngư dân bao nhiêu, hỗ trợ đánh bắt xa bờ mức nào, cho quỹ bảo vệ môi trường bao nhiêu..., sẽ được công bố cụ thể, minh bạch nhằm sử dụng hiệu quả số tiền bồi thường” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo việc yêu cầu Formosa phải xử lý nghiêm sự cố, cam kết không để tái diễn, và sẽ giám sát để Formosa thực hiện đúng các cam kết. Trước các bộ, ngành và 63 địa phương dự họp trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh phát triển kinh tế phải đi liền với bảo vệ môi trường, không vì kinh tế mà bỏ qua môi trường.

Điều chỉnh giá dịch vụ công đi đôi với kiểm soát lạm phát

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho rằng lạm phát năm 2016 là vấn đề “cần đặc biệt quan tâm”. Thống đốc đánh giá: Chỉ tính riêng trong tháng 6, lạm phát có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, phản ánh biến động lạm phát chủ yếu do tác động điều hành về giá. Từ nay đến hết năm 2016, giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu... nhiều khả năng sẽ còn gây áp lực mạnh hơn so với 6 tháng đầu năm.

Dù thừa nhận diễn biến tiền tệ đang nổi lên một số thách thức như tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng tăng nhanh hơn các năm gần đây đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ, nhưng Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN cam kết giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới. Cũng theo Thống đốc, tín dụng tăng đều 6 tháng đầu năm, huy động vốn tăng 8,8% trong khi cùng kỳ là 5,18%. Đến 28/6 dư nợ tín dụng tăng 7,16% so với 7,08% cùng kỳ. Đáng chú ý tín dụng trung và dài hạn tăng 9,51% đã tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đây là yếu tố rất quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Liên quan tới nội dung này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, điều chỉnh giá dịch vụ công (học phí, viện phí) cần phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016. Phó Thủ tướng đề nghị nếu việc điều chỉnh giá những dịch này khiến lạm phát tăng có thể cân nhắc điều chỉnh sau tháng 12/2016. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu bên cạnh đấu thầu thuốc của Bộ Y tế vừa qua đã kéo giá thuốc giảm 30%, tới đây nên đưa vào nghị quyết kênh đấu thầu từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có phương án đấu thầu thuốc tập trung dùng cho BHYT công khai, để bù cho tác động tăng giá của tăng dịch vụ y tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với chính sách vực dậy tăng trưởng, quyết tâm giải quyết những “nút thắt” cản trở nền kinh tế, Chính phủ sẽ thực hiện các chính sách điều hành vĩ mô như kích cầu tiêu dùng, giảm lãi suất… Chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả. Giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai giá của DN, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước. Mở rộng thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Từng bước chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công sang cơ chế đặt hàng.

Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh, nhiệm vụ của Chính phủ và các địa phương là hỗ trợ người dân và DN tạo ra tăng trưởng. Trong các giải pháp, cần tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 19/NQ - CP  và Nghị quyết 35/NQ - CP để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư kinh doanh. Thủ tướng nêu rõ và mong muốn các bộ, ngành, địa phương biến quyết tâm thành hành động cụ thể với tinh thần “Chính phủ kiến tạo”, thực hiện tinh thần đổi mới cao nhất, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sau 6 tháng, các bộ, ngành, địa phương mới tinh giản biên chế được hơn 10.000 người, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 40.000 người/năm. Theo kế hoạch, từ năm 2015 tới năm 2021, các bộ, ngành, địa phương phải tinh giản tối thiểu 10% cán bộ công chức, viên chức.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần