Tiếp nhận trên 65% nước thải sinh hoạt không được xử lý
Mới đây, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) công bố kết quả quan trắc chất lượng nước tại 5 lưu vực sông (LVS) khu vực phía Bắc. Trong đó, sông Nhuệ - Đáy là một trong những LVS có chất lượng môi trường nước kém nhất khu vực phía Bắc. Có tới 62% số điểm quan trắc cho kết quả chỉ số chất lượng nước WQI <50 ở mức xấu đến rất xấu, trong đó 31% số điểm quan trắc cho giá trị WQI <25, nước bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai.
Với đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận Hà Nội không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2019 nhưng ô nhiễm cục bộ vẫn tiếp diễn từ điểm Phúc La tới điểm cống Nhật Tựu (WQI: 10 - 25). Trên sông Đáy, đoạn chảy qua Hà Nội và Hà Nam, phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận môi trường nước sông ở mức kém (WQI: 26 - 50), nước sông chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.
Thực tế, môi trường nước sông Nhuệ - Đáy đã ô nhiễm từ lâu, các ngành, địa phương đã lên kế hoạch xử lý. Chỉ tính riêng giai đoạn 2017 - 2018, kinh phí dành cho các dự án cải tạo LVS Nhuệ - Đáy hơn 38.000 tỷ đồng. Nhiều chương trình, dự án xử lý nước thải, cải thiện môi trường LVS Nhuệ - Đáy được triển khai như Dự án thí điểm xây dựng Trạm xử lý nước thải sông Nhuệ tại 2 thôn Phú Hà và Phú Thứ với công suất 400m3/ngày đêm; xây dựng Trạm xử lý nước thải tại một số điểm xả vào sông Nhuệ với công suất 1.500 - 2.000m3/ngày đêm... Nhưng cho đến nay, tình trạng ô nhiễm của LVS này vẫn chưa được cải thiện.
Lý giải về thực trạng trên, Tổng cục Môi trường khẳng định, do tiếp nhận nước thải sinh hoạt cũng như nước thải làng nghề của TP Hà Nội. Đồng thời, thời gian quan trắc diễn ra vào mùa khô, nước sông cạn, khiến tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn.
Báo cáo của Ủy ban LVS Nhuệ - Đáy (Tổng cục Môi trường) cũng chỉ rõ, lượng nước thải chủ yếu vào LVS Nhuệ - Đáy là nước thải sinh hoạt, tiếp theo là nước thải làng nghề, cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Mỗi ngày LVS Nhuệ - Đáy phải tiếp nhận khoảng 1.982 nguồn thải, với tổng lưu lượng nước thải xả 19.048m3/ngày đêm. Trong đó lưu lượng phát sinh từ sinh hoạt của người dân 16.421m3/ngày đêm.
Tỷ lệ nước thải sinh hoạt thải ra sông Nhuệ - Đáy chiếm rất lớn so với tất cả các nguồn thải khác gộp lại, lên tới trên 65%, hầu hết đều không được xử lý. Thêm nữa, lượng nước thải do phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và nước thải y tế cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường nước của hai con sông này.
Đồng bộ giải pháp
Đánh giá về thực trạng này, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho hay, ô nhiễm LVS Nhuệ - Đáy trong những năm qua chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, mức độ ô nhiễm biến động qua các năm và thay đổi theo mùa. Vào mùa khô, mức độ ô nhiễm cao hơn mùa mưa khá nhiều.
“Để giải quyết tình trạng ô nhiễm LVS Nhuệ - Đáy cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, TP Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, trạm xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp, làng nghề bảo đảm nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường. Đặc biệt, huy động các nguồn lực cho cải thiện ô nhiễm các lưu vực sông" - GS.TS Trần Hiếu Nhuệ nói.
Tại hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, mức độ ô nhiễm chung trên các LVS ở phía thượng nguồn cơ bản đã được kiểm soát. Ô nhiễm chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn, hạ lưu, tại các làng nghề và nước thải sinh hoạt, các khu công nghiệp chưa được xử lý.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Ủy ban Bảo vệ môi trường LVS Nhuệ - sông Đáy đã được thành lập; Bộ TN&MT cũng đã có đề án về việc bảo vệ các con sông. Chính phủ đã giao cho các địa phương khi xác định được nguồn nước thải phải xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý còn chậm do huy động nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng. Dự án đầu tư xử lý nước thải ở các con sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy đến năm 2023 mới hoàn thành. Ngoài ra, phải có sự điều chỉnh nguồn nước vào mùa khô để giảm nồng độ ô nhiễm. Vì mực nước tại sông Hồng thấp, nếu không đầu tư hệ thống bơm đủ mạnh để bổ sung nước thì khó thực hiện được việc giảm tải ô nhiễm tại các dòng sông.
“Nhằm giải quyết ô nhiễm tại các dòng sông, Bộ TN&MT đã đầu tư hệ thống quan trắc để giúp cho việc điều tiết nguồn nước. Còn về lâu dài, cần có sự điều tiết nguồn nước ở các lưu vực sông, sắp xếp lại khu dân cư, tính toán lộ trình di dời các nhà máy, cụm công nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường... để kiểm soát được nguồn nước thải. Mặc khác, cần quy hoạch lại hành lang bảo vệ các con sông. Các khu vực đã bị ô nhiễm phải có chế tài cấm, xử lý việc xả nước thải ra sông... Khi chúng ta kiểm soát được nguồn nước thải bảo đảm quy chuẩn trước khi xả ra thì sẽ giúp các sông có dòng chảy sạch” - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo thống kê của Xí nghiệp Thủy lợi Chương Mỹ, năm 2020 có khoảng 3.000ha lúa Xuân của huyện phải sử dụng nguồn nước sông Đáy, nhiều diện tích bị ngấm nước thải, lúa chậm phát triển, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Trong khi đó, nguồn nước sông Nhuệ đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến 25.000ha đất sản xuất của 9 quận, huyện của Hà Nội và 3 huyện, TP của tỉnh Hà Nam. "Nếu không có biện pháp xử lý ô nhiễm kịp thời, cùng cơ chế kiểm soát ô nhiễm, quản lý môi trường LVS liên vùng, liên tỉnh thì tương lai không xa, nguồn nước của các con sông này không thể sử dụng được cho sản xuất và sinh hoạt." - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ |