Được biết, vào cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị 20 về tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, xử lý đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng. Theo đó, Chỉ thị yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện giải quyết dứt điểm các trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại và không để phát sinh mới; thực hiện nghiêm túc việc thu hồi đất sau khi hết thời hạn hợp thửa, hợp khối; kiểm tra, kiểm soát tình hình, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trật tự xây dựng.
Thế nhưng, theo khảo sát cho thấy, hiện nay trên nhiều tuyến đường như tuyến Vành đai 2, đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy; đường Nguyễn Văn Huyên... có những ngôi nhà mọc lên với hình thù kỳ dị, diện tích nhỏ ảnh hưởng mỹ quan đô thị của thành phố.
Tuyến đường Nguyễn Văn Huyên vừa được cải tạo, nâng cấp rất khang trang, nhưng có nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Mặc dù, chính quyền đã ngăn chặn, không để người dân xây dựng nhà cao tầng, chỉ cho phép xây ki-ốt bán hàng, nhưng để các trường hợp này tồn tại như hiện nay thì nguy cơ nhiều người dân sẽ dùng mọi cách “biến” thành nhà siêu mỏng. Từ đó, việc xử lý, giải quyết vấn đề này sẽ trở nên rối rắm.
Tại số 8 hẻm 9 ngách 64 ngõ 35 Cát Linh, phường Cát Linh một công trình xây dựng thuộc diện nhà “siêu mỏng, siêu méo” vẫn chưa được xử lý?. |
Tại tuyến phố Hào Nam, công trình “siêu mỏng, siêu méo” vẫn ung dung tồn tại và không hề được quan tâm xử lý. Không những thế, tại tuyến phố này thời gian gần đây lại xuất hiện thêm nhiều công trình “kỳ dị” không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, nhưng vẫn hình thành.
Công trình có địa chỉ tại số 8 hẻm 9 ngách 64 ngõ 35 Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa (TP Hà Nội) xây dựng nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Dù sau giải phóng mặt bằng (GPMB) mảnh đất này chỉ còn 10,13m2 nhưng vẫn được “tạo điều kiện” cho xây dựng công trình 2 tầng trên mảnh đất siêu bé vào tháng 10/2014. Được biết, khi thu hồi đất và GPMB để thực hiện dự án xây dựng đường (đoạn từ Bộ tư lệnh thông tin đến ngã tư Giảng Võ - Cát Linh - Giang Văn Minh) thửa đất này có tổng diện tích là 40,33m2, trong đó diện tích thuộc chỉ giới GPMB là 30,20m2, sau GPMB phần đất chỉ còn lại 10,13 m2. Được biết, theo thông báo của quận Đống Đa công trình này phải hợp khối trước ngày 25/5/2012. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 5 năm công trình vẫn vậy và được hoàn thành xây dựng vào năm 2014.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội trước đây có hơn 300 nhà siêu mỏng siêu méo nhưng hiện tại còn 132 trường hợp. Nguyên nhân dẫn đến các nhà siêu mỏng siêu méo là do mở đường qua các khu dân cư cắt vào nhà dân nên tạo ra nhà siêu mỏng siêu méo, những khu đất không đủ tiêu chuẩn xây dựng, những ngôi nhà phản cảm, gây bức xúc trong dư luận… trong quý I/2018 sẽ có phương án thu hồi đất và không để phát sinh vi phạm mới. Đối với 8 trường hợp vi phạm hai bên tuyến đường Phạm Văn Đồng, Sở và các cơ quan liên quan có phương án xử lý ngay trong tháng 12/2017.
Mặc dù các Sở, ngành và UBND các quận đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” nhưng kết quả còn hạn chế bởi đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, nhất là đối với những trường hợp người dân đã sinh sống ổn định. Chính vì vậy, khi bắt đầu lập dự án, nếu phát hiện những thửa đất sau giải phóng mặt bằng không đủ điều kiện xây dựng các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân hợp thửa, hợp khối, kiên quyết thu hồi toàn bộ diện tích đối với trường hợp không thực hiện.