Giải quyết tranh chấp lao động tập thể

Sở LĐTB&XH Hà Nội
Chia sẻ Zalo

"Hiện nay các công ty, xí nghiệp đang phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng phát sinh những tranh chấp liên quan đến lao động. Xin cho hỏi cách thức và thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động?" - Anh Nguyễn Văn Hải, huyện Thanh Trì, Hà Nội

Trả lời:

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Có hai loại tranh chấp lao động, bao gồm: Tranh chấp lao động cá nhân giữa NLĐ với người sử dụng lao động; giữa NLĐ với DN, tổ chức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa NLĐ thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại. Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện NLĐ với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

Trong giải quyết tranh chấp lao động, NLĐ với người sử dụng lao động có các quyền: Trực tiếp hoặc thông qua đại diện để tham gia vào quá trình giải quyết; rút yêu cầu hoặc thay đổi nội dung yêu cầu; yêu cầu thay đổi người tiến hành giải quyết tranh chấp lao động nếu có lý do cho rằng người đó có thể không vô tư hoặc không khách quan.

Đồng thời, hai bên có nghĩa vụ: Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình; chấp hành thỏa thuận đã đạt được, quyết định của Ban Trọng tài lao động, bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động, Tòa án Nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể. Lưu ý, tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc tòa án giải quyết.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu các bên tranh chấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ, trưng cầu giám định, mời người làm chứng và người có liên quan.

Nghị định số 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền tại nơi sử dụng lao động không được đình công. Theo đó, tranh chấp lao động cá nhân được giải quyết theo quy định tại các Điều 187, 188, 189 và 190 của Bộ luật Lao động 2019. Tranh chấp lao động tập thể về quyền được giải quyết theo quy định tại các Điều 191, 192, 193 và 194 của Bộ luật Lao động 2019.

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích tại nơi sử dụng lao động không được đình công phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của hòa giải viên lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 196 của Bộ luật Lao động 2019. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 197 của Bộ luật Lao động 2019. Trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, các bên không được đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết.