Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết vấn nạn lấn chiếm nơi thờ tự: Xoay đủ cách... vẫn khó!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bàn bán hàng ăn bày sát nơi thờ lầu cô, lầu cậu; Dù diện tích bảo vệ tới hơn 1.000m2, nhưng sư thầy vẫn phải lách người để có thể thắp hương lên Tam Bảo... Bởi hàng ngàn người dân Hà Nội đang cố bám trụ trong vùng 1 di tích.

Những cảnh chướng tai, gai mắt

Chẳng mấy khách du lịch kịp nhận ra cổng đình Hà Vĩ (11 Hàng Hòm) - nơi thờ ông tổ nghề sơn, nếu không có sự chỉ dẫn của khách du lịch. Dưới 2 mái của cổng đình là biển hiệu của các cửa hàng Tuấn Dũng, Lê Hân… Đồ dân dụng như can nhựa, keo dán… chiếm gần hết lối vào cổng. Dòng chữ đình Hà Vĩ cùng lời ghi chú về giá trị di tích trở nên nhỏ bé trong không gian lấn chiếm xung quanh. Sân đình bị quán ăn trước cổng chiếm dụng ngổn ngang. Xoong nồi, bàn ghế, bát đĩa bày đến cả trước lầu cô, lầu cậu. Những người thường xuyên đến thăm sân đình như bà Quách Thị Vàn không ít lần bày tỏ bức xúc trước tình trạng lấn chiếm vô lối này nhưng vẫn không được giải tỏa. “Ngày rằm, mùng 1 chúng tôi muốn vào đình thắp hương, nhưng cũng không đi lọt qua được cái cửa. Tình trạng này kéo dài lâu rồi, dân cư từng kiến nghị lên phường Hàng Gai, nhưng cũng không có cán bộ nào sang giải quyết” – bà Vàn cho biết.

Theo ông Vũ An Toàn – người trông coi đình Hà Vĩ: “Cách đây vài chục năm, có một số người dân vào ở nhờ di tích và họ chiếm dụng chỗ ở từ đó đến nay. 4 hộ sống trong khuôn viên đình đã di dời đi nơi khác ở nhưng lại cho người khác thuê vị trí để bán sơn cồn và cơm bình dân. Chính vì vậy, đình Hà Vĩ là di tích trang nghiêm nhưng lại không khác gì cái chợ”.
Cửa đình như ngõ nhỏ do bị lấn chiếm. Đồ đạc bày bừa bãi trước nơi thờ lầu cô, lầu cậu tại đình Hà Vĩ (11 Hàng Hòm, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thanh Loan
Cửa đình như ngõ nhỏ do bị lấn chiếm.                                                                  Đồ đạc bày bừa bãi trước nơi thờ  lầu                                                                         cô, lầu cậu tại đình Hà Vĩ  (11 Hàng Hòm,                                                                       Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thanh Loan
 
Khuôn viên nhỏ bé của cụm chùa Quang Hoa – Thiền Quang – Pháp Hoa thuộc quận Hai Bà Trưng phải chung sống với những sinh hoạt đời thường của hàng trăm con người với 40 hộ dân. Mặc dù lấn chiếm sinh sống ngay trong khu vực 1 di tích, nhưng người dân vẫn không ngần ngại đào đất xây nhà cao tầng bên cạnh vườn tháp của 3 cụ tổ tăng. “Khuôn viên của chùa trước đây rất rộng, nhưng ngày càng bị xâm chiếm hẹp dần. Lúc đầu chỉ có 20 hộ dân thuộc diện đi kinh tế mới về hoặc thuộc diện giải tỏa Công viên Thống Nhất đến ở nhờ nhà chùa, nhưng đến nay con số này đã nâng lên 40” – sư trụ trì Thích Đàm Nghiêm bày tỏ.

Không cần dạo quanh hết hơn 5.000 di tích của Hà Nội, mà chỉ cần chú tâm vào những di tích trong nội thành đã chứng kiến nhiều cảnh chướng tai, gai mắt. Hơn 100 nơi thờ tự trang nghiêm hàng ngày phải gánh chịu tiếng quát tháo, tiếng mặc cả mua bán đời thường.

Không ai muốn rời Phố Cổ

Không thể nói là chính quyền địa phương không biết tình trạng lấn chiếm di tích. Phường biết, quận biết, TP biết, nhưng do tình trạng tồn tại quá lâu nên việc giải quyết trả lại không gian gặp rất nhiều khó khăn. Theo lý giải của cơ quan quản lý văn hóa, tình trạng lấn chiếm di tích của Hà Nội là hậu quả do lịch sử để lại, xảy ra hàng chục năm nay. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, những người Hà Nội đi vùng kinh tế mới trở về không có nơi ở đã vào cửa chùa trú ngụ từ đó đến nay. Hoặc những năm 1971 – 1972, người dân từ bãi sông Hồng chạy lụt vào ở nhờ di tích. Ngoài ra, do quản lý lỏng lẻo, một số người là con cháu của người trông coi di tích cố tình vào chùa chiếm đất” – ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết.

Một mét vuông đất ở khu Phố Cổ được tính bằng vàng lượng, chính vì thế mặc dù gia đình bà Lê Thị Ngoãn với 7 nhân khẩu chỉ có vẻn vẹn 4m2 đất để xây 3 tầng, nhưng vẫn bám trụ ở chùa Liên Phái đến 25 năm. Hoặc theo tâm sự của chị Lê Thị Thanh Vi sống trong đình Trung Yên: Ở ngõ Trung Yên chỉ cần kê cái bàn bán hàng cũng kiếm được khá tiền. Giải tỏa nỗi bức xúc vì chỗ ở chật chội, chị Vi đã về nhà mẹ đẻ ở nhờ vào buổi tối. Sống trong di tích, vài chục con người, thậm chí giường không có chỗ để kê, lối đi 2 người tránh nhau còn khó, vậy mà 166 hộ dân của Hà Nội vẫn bám trụ quanh di sản. Bởi họ không biết đi đâu khi quỹ đất tái định cư của TP đang gặp khó, đó là chưa kể, dời khỏi vùng trung tâm, những người sống bằng nghề bán hàng trên phố biết làm gì để sinh nhai.

Lấn chiếm di tích nhưng người dân lại cố bám trụ để chờ lợi ích. Ví như nhiều căn hộ đã chuyển khỏi đình Hà Vĩ, nhưng vẫn khóa cửa nhà trong di tích để đòi hỏi chế độ đền bù của Nhà nước. Khó đủ bề, nên mấy chục năm qua, Hà Nội mới di dời dân sinh sống tại 20 di tích. Trong khi đó, với 104 di tích có hộ dân sinh sống trong khu vực 1 - khu vực bắt buộc phải di chuyển, thì vấn đề di dời toàn bộ hộ dân sẽ là... trường kỳ.

Xoay đủ cách

Với quan điểm Nhà nước và nhà chùa cùng làm, nhiều sư trụ trì ở các di tích đã huy động nguồn lực xã hội hóa để di dời các hộ dân ra khỏi khu vực 1. Tại các chùa Cầu Đông (quận Hoàn Kiếm), chùa Thọ Lão, chùa Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) nhờ đóng góp của các nhà hảo tâm, không chỉ giúp nhà chùa tu bổ lại không gian di tích mà còn có nguồn kinh phí hàng tỷ đồng để mua lại những khoảnh đất mà các gia đình đang chiếm dụng. Sau nhiều năm trông giữ chùa trong cảnh lối lên Tam Bảo cũng phải lách, đến nay không gian thoáng mát, trang nghiêm của ngôi chùa đã được trả lại. Vào các ngày lễ trọng, hàng trăm sư vãi đã có thể trải chiếu hoa ngồi tụng kinh trước sân chùa. Nơi đây, chính thức trở thành điểm sinh hoạt tâm linh theo đúng ước nguyện của người dân khu phố.

Trong khi việc di dời hộ dân sinh sống trong khu vực 1 di tích gặp khó, một vài quận cũng đã nỗ lực triển khai theo từng giai đoạn. Theo ông Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm: “Năm 2016, quận đang có chủ trương di dời các hộ dân sinh sống trong di tích đình Hà Vĩ, đình Trung Yên. Chúng tôi dùng kinh nghiệm di dời được 200 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu ở 10 di tích trước đó trên địa bàn để cố gắng thực hiện thành công kế hoạch năm 2016 này”.

Với địa bàn Hai Bà Trưng, bà Phạm Thị Hiền – Trưởng phòng VH&TT quận chia sẻ: “Hầu hết việc giải phóng mặt bằng cho các di tích trên địa bàn quận đều phải chia giai đoạn, không thể thực hiện cùng lúc. Ví như chùa Liên Phái, chúng tôi đã phải giải phóng hộ dân đến lần thứ 3 hoặc chùa Vua cũng đã hai lần di dời nhưng chưa xong”.

Hiện nay, ngoài chủ trương di dời, Hà Nội còn thực hiện điều chỉnh lại khoanh vùng bảo vệ di tích nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân trong khu vực 2, nhằm giảm tránh những thiệt hại do các hộ dân vô tình bị vào vùng khoanh vùng như quy định trước đây. Tuy nhiên, chủ trương điều chỉnh này luôn nhấn mạnh quan điểm phải đảm bảo tối đa yếu tố gốc của di tích. Chính vì thế, dù khó khăn nhưng trong tương lai Hà Nội vẫn phải thực hiện di chuyển hàng nghìn nhân khẩu để trả lại giá trị cảnh quan của di sản.
Toàn TP Hà Nội có 1.203 hộ dân sinh sống trong khu vực 1 của 104 di tích. Tại các quận như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình… có nhiều di tích bị lấn chiếm nhất. Nhiều di tích bị lấn chiếm đến gần nửa diện tích, ví như chùa Kim Cổ (72 Đường Thành), tổng diện tích có 100m2 nhưng vi phạm lấn chiếm đến 40m2, chiếm nguyên tam quan nhà chùa.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến

Năm 1992, tôi được giao về chấp cảnh trụ trì ở chùa Liên Phái và chứng kiến cảnh chùa xuống cấp, người dân chen nhau lấn chiếm chùa. Trước tình trạng bất hợp lý này, tôi đã đề xuất đến cơ quan quản lý Nhà nước tìm nhiều biện pháp di dời các hội dân. Rất may tôi nhận được sự ủng hộ của chính quyền quận và ngành văn hóa. Từ năm 2007, chùa Liên Phái di chuyển được 27 hộ dân ra khỏi di tích. Năm 2002, quận Hai Bà Trưng tiếp tục di dời 10 hộ dân nữa. Đến nay, chùa Liên Phái đã trở lại là nơi có kiến trúc hài hòa, cảnh quan đẹp, khuôn viên rộng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự giáo hội 
Phật giáo Việt Nam, sư trụ trì chùa Liên Phái, Hòa thượng Thích Gia Quang