Lá dong phân bố ở các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan, Indonesia, Myanma, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có ở nhiều nơi thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ (hiện nay cây lá dong đã được di thực về đồng bằng sông Cửu Long). Lá dong thuộc loại cây thảo cao khoảng 1m, thân rễ hình củ. Lá thuôn hay thuôn mũi mác, dài 30 - 50cm, rộng 10 - 20cm, gốc nhọn, đầu có mỏ ngắn, hai mặt nhẵn; cuống lá dài, nhẵn; bẹ lá nhẵn hay có lông ít hay nhiều ở gốc. Cụm hoa hình đầu không cuống, mọc ở bẹ lá; lá bắc thuôn tù, màu tím nhạt hay thẫm. Người ta thường lấy lá dong làm bánh chưng, bánh ú, bánh giò, bánh tét, bánh nếp, bánh tẻ, song còn được trong dân gian sử dụng làm thuốc. Bộ phận được sử dụng làm thuốc là toàn cây (Herba Phrynii Capitati).
Đông y cho rằng thuốc có vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết, lợi niệu. Vì vậy mà người ta đã sử dụng rễ và lá để làm thuốc. Rễ dùng chữa sưng gan; lỵ; tiểu tiện đỏ đau. Lá dùng chữa xoang miệng bị lở loét; suy nhược. Dân gian dùng lá giã ra lấy nước uống trị say rượu. Tại Trung Quốc, ở Vân Nam người ta dùng toàn cây chữa gan phù to, lỵ, đi đái đỏ đau, cảm mạo phát sốt, thổ huyết, ói ra máu, băng huyết, loét xoang miệng, mất tiếng, say rượu. Công dụng của lá và phần thân (gốc) cây dong có thể dùng làm thuốc giải rượu rất tuyệt vời, nhưng tuyệt vời hơn, nếu người bị bệnh suyễn lấy phần thân (phần thân chính của cây lá dong là phần gốc của cây dong, không lấy phần trên mặt đất là thân giả), thái lát mỏng rồi sao vàng hạ thổ, sau đó sắc uống vài lần để chữa suyễn.