Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang Lưu Văn Hào cho biết, trên phương án tài chính đã được Bộ GTVT và các bộ, ngành cho ý kiến, trạm Cai Lậy hoàn vốn cho dự án xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường, nâng cấp QL1 qua Tiền Giang. Vì vậy, trạm thu phí Cai Lậy đặt ở vị trí hiện tại là phù hợp. Nếu Bộ GTVT yêu cầu di dời trạm đặt về tuyến tránh sẽ không đảm bảo phương án tài chính, và như vậy, Bộ GTVT phải bỏ tiền ra trả lại cho nhà đầu tư, hoặc địa phương có tiền thì mua lại, trả tiền cho nhà đầu tư để nhà đầu tư trả nợ ngân hàng.
Tương tự, Vụ trưởng - Trưởng Ban quản lý các dự án công tư, Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cũng cho rằng, đặt trạm thu phí trên tuyến tránh sẽ dẫn đến hệ lụy phương án tài chính không khả thi.Tuy nhiên, ý kiến này tiếp tục vấp phải nhiều sự phản đối. Theo người dân, cần di dời trạm BOT Cai Lậy về đúng vị trí của dự án chứ không thể chỉ giảm phí để rồi kéo dài thời gian thu phí. Một lái xe trên tuyến cho rằng: “Chỉ “tráng men” vài chục cây số đường QL1 làm cái cớ đặt trạm thu phí cho cả 2 hợp phần dự án là cưỡng ép người dân”.Trên thực tế, năm 2009, Bộ GTVT đã lập dự án đầu tư tuyến tránh QL1 qua thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) và được Chính phủ đồng ý. Đến tháng 9/2013, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng) ký quyết định công bố dự án tuyến tránh QL1 qua Thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT dài 12km, tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng. Tháng 12/2013, theo Tờ trình của Tổng cục Đường bộ, ông Nguyễn Văn Thể ký tiếp quyết định phê duyệt dự án tuyến tránh và đổi tên từ “Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang” thành “Dự án đầu tư xây dựng công trình QL1 qua đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường theo hình thức hợp đồng BOT”.Sau khi làm việc với tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT đã báo cáo và được Chính phủ cho chỉ định thầu. Liên doanh nhà đầu tư dự án là Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần bảo trì, tăng cường QL1 đoạn qua Cai Lậy dài 26,5km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, trong đó nâng cấp 14 cầu. Năm 2014, dự án được khởi công, theo thiết kế trạm thu phí đặt trên QL, cách vị trí hiện nay 600m về hướng Vĩnh Long. Tuy nhiên, năm 2015, khi dự án sắp hoàn thành, Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang xin điều chỉnh vị trí trạm, với lý giải do chỗ cũ dân đông, đất thổ cư nhiều và chưa thống nhất khiếu nại đền bù. Sở GTVT Tiền Giang và UBND huyện Cai Lậy đã đồng ý, và vị trí trạm được đặt như hiện tại.
Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN đã kết thúc kiểm toán thêm 24 dự án BOT giao thông nữa và giảm trừ thời gian thu phí 62,8 năm. “Khoảng một tháng nữa, tất cả 24 báo cáo kiểm toán này sẽ được công bố. Tuy nhiên, tựu chung lại, các dự án lần này vẫn phạm các lỗi “truyền thống” như chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu chưa đủ năng lực và kinh nghiệm, vị trí đặt trạm chưa hợp lý” - ông Phớc cho biết. Được biết, trong đợt công bố kết quả kiểm toán sắp tới, sẽ có cả những trạm BOT đầy tai tiếng như trạm Cai Lậy (Tiền Giang), trạm Hà Nội - Bắc Giang... Hà Lâm |