Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện |
Như chúng tôi đã nói thì hiện nay trong việc phân loại các sản phẩm du lịch Việt Nam có 4 loại du lịch chính: Du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị.
Tuy nhiên, khái niệm này là tương đối. Trong quy hoạch các khu du lịch quốc gia, có một khái niệm là khu du lịch quốc gia. Cho nên khái niệm du lịch tâm linh được hiểu là nằm trong du lịch văn hóa, đó là du lịch tâm linh. Đối với chùa, thực ra có một số khu du lịch hiện nay và trong các khu du lịch đó có cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thì khu du lịch này không gọi là khu du lịch tâm linh bởi vì nó có rất nhiều loại hình ở trong đó, có sân golf, có cơ sở lưu trú, có tham quan mà gọi là khu du lịch quốc gia và trong khu du lịch đó có sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch tâm linh.
Như chúng ta hay nói, có chùa, đền và nhiều loại hình khác. Quan điểm của tôi là việc thương mại hóa các công trình tâm linh và lợi dụng tâm linh để thương mại hóa và thu lợi bất chính, thực hiện để thu lợi, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, đó là hành vi vi phạm pháp luật cần phải lên án và xử lý theo quy định của pháp luật.
Có nhiều đại biểu cho rằng trong thời gian vừa qua, có một số cá nhân lợi dụng nghi thức thực hành tôn giáo tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật. Đối với những vấn đề này, pháp luật cũng đã xử lý và dư luận xã hội lên án vi phạm đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Để khắc phục những tình trạng nêu trên Bộ VHTT&DL sẽ thực hiện một số giải pháp:
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy định các biện pháp phòng ngừa mê tín, dị đoan; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa truyền thống trong hoạt động văn hóa tín ngưỡng; lên án phê phán và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để thực hành mê tín dị đoan. (Thanh Khánh ghi)
TS Phạm Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Hán Nôm. |
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng có những ngôi chùa to nhưng không được gọi là hoành tráng. Có ngôi chùa vua, chùa quan lại và triều đình cung cấp tiền để xây dựng nhưng không to như chùa bây giờ.
Những ngôi chùa đó bảo nguyên được kiến trúc truyền thống của người Việt từ quy chuẩn, điêu khắc, trạm trổ, quy mô kiến trúc, ban bệ ví dụ: Trong chùa phải có tượng hộ pháp, ban thập điện… Các chùa lớn như chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích cũng không xa dời văn hóa đời sống thường ngày của con người. Mái chùa không quá cao, hơi trũng xuống. Đi vào các chùa Việt, mọi người có thể vào thấy gần gũi.
Chùa Việt khác với các nước khu vực Đông Á và các nước Ấn Độ từ kiến trúc, bày trí hoành phi câu đối đến không gian của khuôn viên ngôi chùa, cách thờ tự đều mang truyền thống. Từ chùa, đến đình, đến miếu hoặc nơi thờ họ, chúng ta đều thấy nét tương đồng, gần gũi.
Trong khi đó, các ngôi chùa mới như Bái Đình, Tam Chúc tượng chuông quá to, mái ngói đổ xi măng quá lộng lẫy. Các chùa dài đến mấy trăm mét. Ở Tam Chúc bức phù điêu đặt bên nước ngoài rất hoành tráng.
Trong không gian của chùa Tam Chúc lại có ban thờ của Phật tử. Trong ban thờ Phật lại có ban Hậu, đặt ngay giữa Tam Bảo. Trong khi đó, như chùa Bút Tháp có nhà hậu đặt riêng, thờ những bà có công xây dựng chùa, chứ không được phép đặt cạnh bàn thờ Tam Bảo.
Như vậy, ở các chùa mới do DN quản lý nên mọi sắp xếp bày trí thờ tự đều theo ý của cá nhân DN. Không gian kiến trúc của các ngôi chùa mới không giống không gian kiến trúc đang nằm rải rác ở trong các ngôi chùa trong làng, trong xã của người Việt hàng nghìn năm qua mà hoàn toàn ngoại lai.
Thượng tọa Thích Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội |
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, thời Đinh, Lê lấy Phật giáo làm nền tảng nên đã xây dựng nhiều ngôi chùa, tự viện tương đối lớn. Phần lớn trong thời kỳ phong kiến là chùa xây dưới hình thức Quốc tự như chùa Trấn Quốc (Hà Nội), chùa Thiên Mụ (Huế), chùa Phật tích (Bắc Ninh)… Ngoài ra, còn hình thức Quan tự (chùa do các quan bỏ tiền hưng công, vận động xây dựng). Hình thức thứ 3 do Dân tự (do dân đóng góp xây dựng).
Nguyên lý quản lý chùa ngày xưa là chùa giống như tổ của một làng, nên có câu đất vua chùa dân, phong cảnh của Phật. Tăng ni đến trụ trì có quyền sử dụng không có quyền sở hữu. Chùa làm xong phải giao cho dân. Đã gọi là chùa thì phải có Phật, Pháp và Tăng. Có tượng Phật, hoàng truyền giáo pháp và tăng ni trụ trì. Đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn quản lý chùa theo hình thức này.
Nói về lịch sử xây dựng chùa và các nguyên lý để thấy trong Giáo hội không gọi Khu du lịch tâm linh như: Bái Đính, hay Tam Chúc… là chùa. Các ngôi chùa này không có trong danh sách tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bởi vì theo quy định của Nhà nước, của hiến pháp, của Hiến chương giáo hội tất cả tự viện phải được Nhà nước cấp phép và phải nằm trong hệ thống tự viện do giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý.
Người ta xây dựng các ngôi chùa trong khu du lịch và chúng ta quen mồm gọi là chùa. Ở đó có các sư trụ trì theo danh nghĩa mà không ở lại trông nom chùa, không sớm tối tụng kinh. Ở nơi đó có Phật mà không có pháp tăng (không truyền giáo giảng đạo). Đã là khu du lịch thì người ta đứng xây dựng theo nguyên tắc đầu tư thu lời, trách hiệm quản lý thuộc người bỏ tiền ra đầu tư, nên người ta phải kinh doanh, thu vé, thu phí. (Lan Ngọc thực hiện)