Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh: Còn cơ hội cho những trường hợp “trượt” giải

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày nay, giới văn nghệ sĩ vẫn sôi sục trước các thông tin người được, người trượt giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh.

Danh sách hợp lý nhưng chưa hợp tình khiến Thủ tướng và các Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL trình phương án sửa Nghị định xét tặng. Rất có thể, các trường hợp tưởng trượt danh hiệu, giải thưởng lần này sẽ có cơ hội vinh danh nhờ cơ chế “mềm”.

Muốn biết lý do phải đợi… quy trình

Cuối tháng 1/2017, Chủ tịch nước đã ký quyết định trao tặng danh hiệu giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật năm 2017. Theo danh sách của hội đồng cấp Nhà nước, có 8 tác giả đã trượt giải thưởng là nhà thơ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Thuận Yến, nhạc sĩ – NSND Đinh Ngọc Liên, nhà thơ Thu Bồn, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, GS.NSND Trần Bảng, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Viết Giao. Thế nhưng, đến cuối tháng 2/2017 hầu hết tác giả và gia đình tác giả khác không đạt giải thưởng mới biết được thông tin qua truyền thông hoặc bạn bè. “Ngày 26/2, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên được biết thông tin qua báo chí và bạn bè về việc nhạc sĩ Thuận Yến không nằm trong danh sách nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này” – NSƯT Hồ Thị Thanh Hương (vợ nhạc sĩ Thuận Yến) cho biết. Bà Đinh Tuyết Lan - con gái NSND Đinh Ngọc Liên cũng cùng tâm trạng như gia đình nhạc sĩ Thuận Yến.

Nhà thơ Thu Bồn và nhạc sĩ Thuận Yến.

Các tác giả, gia đình tác giả có nhu cầu biết lý do vì sao trường hợp của họ và người thân họ không có tên công nhận giải thưởng vì cơ quan chức năng chỉ công bố danh sách đạt, không nêu rõ lý do người không đạt giải. Thông tin mới nhất được công bố từ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 chiều ngày 1/3, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo lý do 7 hồ sơ (trừ trường hợp nhà thơ Xuân Quỳnh đã bổ sung giải thưởng và đủ điều kiện xem xét) chưa được xem xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợi này vì không có giải thưởng trong các cuộc thi hay liên hoan chuyên nghiệp theo Khoản 3, Điều 9 của Nghị định 90/2014/NĐ-CP. Ông Phùng Huy Cẩn – Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTT&DL) cho biết: “Theo quy định của Nghị định, Bộ VHTT&DL hay Hội đồng cấp Nhà nước, cấp Bộ không có nghĩa vụ phải trả lời cho từng gia đình, từng trường hợp mà chỉ là Hội đồng cấp trên phải trả lời cho Hội đồng cấp dưới bằng văn bản”. Có nghĩa là một việc rất đơn giản là thông tin để sáng tỏ những thắc mắc đảm bảo quyền lợi của văn nghệ sĩ cũng phải đợi… quy trình.

Gỡ vướng cho tình huống lịch sử

Không phải đợi đến gia đình nhạc sĩ Thuận Yến hay gia đình NSND Đinh Ngọc Liên làm đơn thì công chúng và xã hội mới biết những đóng góp của họ cho đời sống văn hóa nghệ thuật. Nói như một thành viên Hội đồng nghệ thuật, 8 gương mặt chưa được công nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này đều là những cây đại thụ của giới văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, xét theo quy định của Nghị định số 90 thì các tác giả đã không đủ tiêu chuẩn.

Bộ VHTT&DL không chỉ dừng lại việc báo cáo 2 trường hợp là nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Thu Bồn; tới đây sẽ làm văn bản báo cáo tất cả 6 tác giả chưa đủ điều kiện xét giải lần này. Bởi vì, theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, những tác giả trên không có giải thưởng do chiến tranh không có điều kiện tổ chức hoặc tham gia các cuộc thi và liên hoan. Chiều ngày 1/3, Thủ tướng chỉ đạo: “Những người có đóng góp xuất sắc, được xã hội, dân tộc, cuộc kháng chiến công nhận thì trách nhiệm của chúng ta phải công nhận. Không thể vì một quy trình máy móc nào mà cản trở những tài năng đã đóng góp cho đất nước, cho dân tộc chúng ta”. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đánh giá những quy định của Nghị định 90, đặc biệt là Luật Thi đua khen thưởng đang có nhiều điều máy móc, phù hợp với những đóng góp của các tác giả ở thời điểm hiện tại, không phù hợp với những đóng góp của những con người của lịch sử nên cần có chỉnh sửa, bổ sung. “Nghị định hướng dẫn phải xem lại có cách giải quyết với những người của lịch sử hoặc những người còn sống nhưng không bon chen, không chạy giải thưởng” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, sáng 2/3, trao đổi với các phóng viên, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Vừa qua là đợt xét tặng đầu tiên vận dụng Nghị định số 90. Khi có kết quả mới thấy nảy sinh một số vấn đề liên quan điều kiện có giải thưởng. Bộ VHTT&DL sẽ tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu sửa Nghị định cho phù hợp với tình hình thực tiễn”. Dự kiến, dự thảo sửa đổi Nghị định sẽ được Bộ VHTT&DL đưa ra lấy ý kiến vào tháng 5/2017. Tuy nhiên, việc sửa đổi Nghị định 90 là để phục vụ mục đích xét duyệt các lần sau không bỏ sót người tài, còn đối với 8 trường hợp chưa được công nhận giải thưởng Hồ Chí Minh lần này vẫn sẽ được Bộ VHTT&DL báo cáo lên Thủ tướng xem xét. Lễ trao tặng danh hiệu giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật dự kiến diễn ra vào ngày 11/3 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Nếu đủ điều kiện xem xét trao tặng, liệu 8 trường hợp chưa được công nhận có kịp nhận giải thưởng vào ngày 11/3 hay không, thì ông Phùng Huy Cẩn cho rằng “Chúng tôi đang cố gắng hết sức tiệm cận vào ngày 11/3, nếu không kịp đành phải giải quyết bằng đợt khác!”.

Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, 3 cấp hội đồng xét tặng đã đánh giá 8 trường hợp tác giả có tác phẩm chưa được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh lần này đều là các tác phẩm có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, nâng cao trình độ thẩm mỹ của Nhân dân, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội… và đạt tỷ lệ 90% đồng ý trở lên ở cả 3 cấp hội đồng.
“Nhận thấy việc lấy tiêu chí giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm… làm tiêu chuẩn chung cho tất cả các tác phẩm được hình thành qua các giai đoạn cách mạng khác nhau, có bối cảnh lịch sử khác nhau từ chống Pháp, chống Mỹ trước đây đến thời kỳ hiện nay là chưa phù hợp với thực tế. Thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị Ban Thi đua khen thưởng T.Ư phối hợp với Bộ VHTT&DL khẩn trương tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết vấn đề này” – nội dung này được đề cập trong Công văn số 294/VPCTN-TĐKT do Phó Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm ký.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần