Câu trả lời của các Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Tài chính, GTVT, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng khá thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề.
Cử tri Lê Văn Tám- Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sông Hồng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cho biết: "Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, tôi thấy Bộ trưởng đã trả lời tương đối có trách nhiệm đối với các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đề cập.
Dù vậy, đối với một số vấn đề, ví như nguồn vốn hỗ trợ phát triển cho khu vực kinh tế tập thể thì vẫn chưa thực sự rõ ràng, thuyết phục… Rất mong Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục có những định hướng giải pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa để hỗ trợ nguồn vốn, năng lực tiếp cận khoa học kỹ thuật cho các hợp tác xã, nhất là các đơn vị có kế hoạch sản xuất và định hướng chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất''.
Cử tri Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng nêu ý kiến, phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, đi sâu vào vấn đề mà các cử tri đang băn khoăn. Đặc biệt, Bộ trưởng làm rõ vấn đề điều hành giá xăng dầu và cho biết hiện còn dư địa giảm thêm 2.000 đồng mỗi lít xăng đối với thuế bảo vệ môi trường; còn thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế nhập khẩu xăng dầu (8%), thuế VAT (10%).
Qua phiên chất vấn rất mong Bộ Tài chính sẽ có những đánh giá tác động để tham mưu Chính phủ, trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm thêm thuế xăng dầu. Đây thực sự là tin vui đối với người dân và DN trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống đang chịu áp lực lớn của nguy cơ lạm phát.
Về phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, Thống đốc cơ bản trả lời đúng vào định hướng là bây giờ phải hy sinh mỗi thứ một chút để giữ được tình hình chung, đạt được tất cả các mục tiêu như Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Những vấn đề khác, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã có trả lời với các đại biểu như về thị trường bất động sản có thu hẹp lại sau khi siết lại thị trường chứng khoán. Hiện nay cần phải kiểm soát và có những định hướng nới ra để cho các thị trường này hoạt động trở lại, góp phần phát triển kinh tế và không bị tụt hậu, kéo tụt lùi các chỉ sổ về kinh tế - xã hội của năm 2022 và 2023.