Giảm giá thành hàng hóa, kích thích sức mua
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp, trong đó quyết nghị giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết 43/2022. Việc giảm thuế này được thực hiện từ 1/7 đến hết năm nay. Như vậy, thuế VAT sẽ giảm về 8%, nhưng không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngay sau khi Nghị quyết của Quốc hội đưa ra, cả doanh nghiệp, lẫn người dân đều bày tỏ sự vui mừng, chờ ngày chính sách giảm thuế chính thức được áp dụng.
Chị Trần Thị Phượng, công nhân làm việc tại cụm công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai bày tỏ: “Tôi rất vui khi biết tin sắp được giảm 2% thuế VAT với một số hàng hóa, dịch vụ. Với mức chi tiêu khoảng 15 triệu đồng/tháng, gia đình tôi sẽ tiết kiệm được khoảng 300.000 đồng. Khoản tiền này tuy không lớn, nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Tôi sẽ tăng mua hàng ở những nơi có mức thuế suất rõ ràng”
Ở góc độ doanh nghiệp, Trưởng phòng điều hành vùng miềm Bắc MM MEGA Market Việt Nam Nguyễn Anh Phương cho biết, trung bình mỗi tháng MM MAGA Kerket Việt Nam đón hơn 1 triệu khách hàng, tiêu thụ hơn 30.000 mặt hàng. Việc được giảm 2% thuế VAT sẽ trực tiếp làm giảm giá thành cuối cùng khách hàng phải trả, giúp việc tiêu thụ sản phẩm tăng lên. DN này kỳ vọng, doanh số bán hàng từ đầu tháng 7 sẽ sẽ bùng nổ khi chính thức áp dụng giảm 2% thuế VAT.
Bên cạnh sự vui mừng, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến bày tỏ lo lăng, băn khoăn về về việc triển khai áp dụng. Theo Văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế VAT 2% của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp phản ánh rằng, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ nào được hưởng thuế suất 8% hay 10% rất phức tạp và quá nhiều rủi ro. Chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% và từ ngày 1/1/2024 sẽ tăng lại từ 8% lên 10% chắc chắc sẽ tác động đến việc thực hiện các biện pháp quản lý giá như nhà nước định giá, đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá.
Một số loại hàng hóa, dịch vụ có thể giảm giá 2% khá dễ dàng. Nhưng một số loại hàng hóa, dịch vụ có giá đã được làm tròn để dễ thanh toán thì việc điều chỉnh giá biên độ nhỏ 2% sẽ không khả thi. Ví dụ, doanh nghiệp bưu chính chuyển phát đã kê khai giá 5.000 đồng/km, nếu phải giảm xuống còn 4.909 đồng/km sẽ rất phức tạp.
Trên thực tế, VCCI cũng ghi nhận từ các doanh nghiệp phản ánh rằng, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ nào được hưởng thuế suất 8% hay 10% theo Nghị định 15/2002/NĐ-CP là rất phức tạp và quá nhiều rủi ro.
Chủ động giải pháp kỹ thuật
Quá trình thảo luận trước đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế VAT, tức áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu mở rộng hơn nữa lĩnh vực dịch vụ, hàng hóa và mức giảm thuế sẽ tác động đến thu ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, Chính phủ chưa tính toán, đánh giá đầy đủ tác động, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách 5 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ 2022.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn các trường hợp đang được quản lý giá khi giảm thuế VAT theo hướng doanh nghiệp không cần làm thủ tục điều chỉnh giá và được phép áp dụng giá đã đăng ký, kê khai.
Theo Chuyên gia Nguyễn Văn Được - Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, việc loại trừ một số ngành hàng không được giảm thuế là phù hợp. Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn hiện nay, nếu giảm toàn bộ hàng hóa dịch vụ sẽ ảnh hưởng tới bối cảnh thu chi ngân sách Nhà nước. Khi ngân sách thâm hụt sẽ không có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Phải cân đối chính sách để hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp, cán cân ngân sách Nhà nước.
Chuyên gia Nguyễn Văn Được khuyến nghị, để chính sách giảm thuế VAT phát huy tối đa hiệu quả, Nghị định 15 cần được hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể. Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH&ĐT, Tổng Cục Thống kê cần xác định mã ngành nào ở ranh giới được giảm và không được giảm. Nghị định lần này cũng cần có một khoảng mở để giao cho Bộ Tài chính, Cục thuế hướng dẫn chi tiết cho người dân, doanh nghiệp, nếu trong quá trình thực hiện có vướng mắc.
Đối với doanh nghiệp, do quy định của chính sách năm nay không thay đổi nhiều so với năm 2022, nên các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu tiếp cận để hiểu thấu đáo hơn. Đặc biệt về khoa học công nghệ, các phần mềm, mặc dù đã chuẩn bị rồi nhưng các doanh nghiệp cũng cần chủ động hoàn thiện để xuất hóa đơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc triển khai nhanh giảm 2% thuế VAT sẽ tác động trực tiếp tới ngân sách tiêu dùng của khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ, nhất là các hệ thống phân phối lớn cần sẵn sàng có giải pháp kỹ thuật để triển khai nhanh trên hệ thống với những hàng hóa sẽ được giảm thuế. Ngoài ra, các cơ quan chắc năng liên quan cần triển khai các giải pháp về mặt kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, cho phép đơn giản hóa các thủ tục để triển khai nhanh đến các nhà bán lẻ, tiêu dùng trong cả nước.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn cũng như bảo đảm sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách Nhà nước, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính cũng như các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.