Nên giao trách nhiệm cho trường
Trước tình trạng dư thừa quá nhiều giáo viên (GV), Bộ GD&ĐT khuyến cáo các trường sư phạm giảm 10% chỉ tiêu so với năm 2015 để nâng cao chất lượng đào tạo. Bởi hiện nay, GV được tuyển dụng không nhiều, có tỉnh mỗi năm chỉ lấy vài người. Mà khi đầu ra "ứ đọng" thì đầu vào bị thu hẹp hơn, điểm chuẩn giảm xuống dẫn đến chất lượng đầu ra không cao.
Tuy nhiên, GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội băn khoăn, không biết Bộ GD&ĐT căn cứ vào đâu để yêu cầu giảm 10% chỉ tiêu. Giảm 10% không có nghĩa hết dư thừa GV, thậm chí các trường sư phạm giảm 100% thì một vài năm nữa vẫn đủ nguồn tuyển GV. “Các trường ĐH thường xác định chỉ tiêu căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, khả năng đào tạo, mà ít nghiên cứu nhu cầu nhân lực của xã hội. Nhân lực lao động cũng là hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng riêng chỉ tiêu sư phạm, ngành giáo dục nên giao cho từng trường để sát với nhu cầu thực tế” - ông Báo đề nghị.
Từ thực tế 3 năm trở lại đây, ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên giảm chỉ tiêu đến 20%, PGS.TS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chỉ tiêu càng giảm thì điểm trúng tuyển đầu vào tăng hơn. Đây cũng là cách giúp trường khẳng định thương hiệu. Khi giảm chỉ tiêu, tỷ lệ trung bình một giảng viên đảm nhận số sinh viên (SV) ít đi, đồng nghĩa nâng được chất lượng đào tạo. Ông Quang cũng cho hay, trong việc thực hiện giảm số lượng tuyển sinh, trường cũng gặp khó khăn về tài chính. Bởi nguồn đầu tư của Nhà nước cho trường tính trên đầu SV giảm đi, nhà trường vẫn phải bớt các khoản chi để tập trung vào chuyên môn. “Nguồn tài chính chỉ là một phần trong các yếu tố đảm bảo chất lượng. Nếu nguồn tài chính dồi dào, nhưng quy mô đào tạo quá lớn, điểm đầu vào quá thấp thì không thể đảm bảo chất lượng. Đảm bảo chất lượng là bài toán tổng thể từ xây dựng đội ngũ cho đến đảm bảo cơ sở vật chất, nguồn tài chính”.
Giảm chỉ tiêu phải tăng đầu tư
Giảm 10% chỉ tiêu so với 90% còn lại không lớn để có thể làm thay đổi chất lượng đào tạo. Nhưng với những trường không có nguồn thu khác từ nghiên cứu khoa học sẽ gặp khó. Vì thế, PGS.TS Nguyễn Quốc Chung - nguyên Giám đốc Dự án phát triển GV THCS, THPT cho rằng, phải có những giải pháp cụ thể để đảm bảo chất lượng đào tạo. Thực ra, để đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và tài chính là yếu tố có tính quyết định. Nhưng không phải là tất cả, nếu như khâu quản lý, chất lượng đội ngũ GV, cách đào tạo không hợp lý, chưa chắc đã có chất lượng tổng thể cuối cùng. Cho nên, khi gặp khó khăn về kinh phí, nhà trường có thể tổ chức những hoạt động để phát huy ảnh hưởng đối với địa phương và xã hội. Hoặc có những liên kết đào tạo ở trong nước và nước ngoài nhằm tăng nguồn lực đầu tư cho đào tạo.
Nhưng theo ông Báo, giảm chỉ tiêu đồng nghĩa với giảm đầu tư và điều kiện của các trường sư phạm. Khi điều kiện giảm thì tác động lâu dài đến đào tạo và bồi dưỡng GV. Cho nên, một mặt Nhà nước có chế độ cho SV sư phạm để thu hút học sinh giỏi và tăng đầu tư cho các trường. Ví dụ Nhà nước đang đầu tư cho trường sư phạm 100 tỷ đồng/năm, bây giờ trường giảm 10% chỉ tiêu thì vẫn được chi đúng số tiền ấy. Hoặc, bây giờ suất đầu tư cho 1 SV sư phạm là 6 triệu đồng/năm thì tăng lên 10 hay 12 triệu đồng. Còn nếu thực hiện giảm chỉ tiêu mà không tăng đầu tư, giống như cái máy cái đào tạo GV không được tra dầu, sản phẩm đầu ra sẽ không thể tốt.
Giờ học của sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
|