Giảm đà tăng - mối lo từ ngành công nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015, nhờ công nghiệp tăng cao, nên toàn bộ nền kinh tế vừa tăng cao hơn năm trước, vừa vượt mục tiêu đề ra.

Năm 2016, với mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn, đòi hỏi công nghiệp phải tăng cao hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng công nghiệp đã ghi nhận những dấu hiệu giảm tốc trong 5 tháng đầu năm.
Thử nghiệm sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Chiến Công
Thử nghiệm sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Chiến Công
Chỉ số sản xuất của toàn ngành công nghiệp trong 5 tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (7,5% so với 9,4%). Ngành có tỷ trọng lớn nhất (chiếm trên 50%) trong toàn ngành là công nghiệp chế biến, chế tạo tuy vẫn còn tăng khá và cao hơn tốc độ tăng chung, nhưng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (9,7% so với 9,9%); một số ngành chi tiết, sản phẩm cụ thể còn bị giảm. Ngành khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai (chiếm khoảng 30%), nếu cùng kỳ năm trước tăng (7,5%), thì 5 tháng này bị giảm. 

Xét ở đầu ra, chỉ số tiêu thụ của công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù đạt mức khá (tổng mức bán lẻ - tăng 7,8%) nhưng đã chậm lại. 5 tháng cũng ghi nhận kết quả xuất siêu nhưng chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu tăng chậm (6,6%), trong khi nhập khẩu giảm (giảm 0,9%). Nhập khẩu giảm phần do giá nhập khẩu giảm, nhưng có một phần còn do nhu cầu đầu tư, sản xuất trong nước chậm lại.

Để lấy lại đà tăng của ngành công nghiệp, giải pháp đầu tiên cần tính đến là khuyến khích hơn nữa tinh thần khởi nghiệp, đăng ký thành lập DN, tập trung cho kinh tế thực; ngăn chặn tình trạng giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động đang diễn ra nhiều, tăng liên tục, trong thời gian dài như vừa qua. Một giải pháp quan trọng là tăng tổng cầu. Bởi, về quy mô tuyệt đối thì tổng cầu vẫn còn nhỏ hơn tổng cung. Có thể nới lỏng một bước chính sách tiền tệ. Hạ lãi suất cùng với giải quyết nợ xấu một cách thực chất hơn sẽ góp phần tăng trưởng tín dụng cao hơn. Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ngừng phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, tăng cường chiết khấu trái phiếu Chính phủ, trái phiếu đặc biệt (mua nợ xấu), đẩy nhanh thị trường mở... Ngăn chặn sự phá sản, tạm dừng hoạt động của các DN là giải pháp giữ và tăng thu nhập cho người lao động, tăng tổng cầu. Bên cạnh đó là giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, tiếp tục kiểm soát nhập khẩu. 5 tháng so với cùng kỳ năm trước, nhập siêu từ Trung Quốc đã giảm, nhưng lại nhập siêu tăng từ Thái Lan, Brazil, Ấn Độ, Malaysia... Và điều cấp thiết hiện nay là cơ cấu lại 2 khu vực kinh tế: Kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện, khu vực FDI chiếm trên dưới 50% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước là những thách thức không nhỏ đối với phát triển công nghiệp trong nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần