Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám định tư pháp án tham nhũng: Sửa luật phải gỡ được ách tắc

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục những tồn tại trong công tác giám định tư pháp, phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều nội dung trong Dự Luật vẫn cần rà soát, làm rõ.

 Ảnh minh họa.

Ách tắc phần nhiều do thực thi
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về GĐTP, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác GĐTP, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Trên 40 văn bản ban hành để hướng dẫn, quy định chi tiết thực hiện Luật GĐTP về những vấn đề thuộc quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuẩn trong giám định rất cần lại... không có. Chính vì vậy, chất lượng giám định thời gian qua có nhiều vấn đề chưa giải quyết được trong thực tiễn, gây khó khăn, bức xúc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong
Dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng tán thành với quan điểm này. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật trước hết phải trên cơ sở kết quả tổng kết những hạn chế, vướng mắc qua thực tiễn thi hành Luật. Theo kết quả tổng kết 5 năm thi hành Luật GĐTP, vấn đề ách tắc trong hoạt động GĐTP hiện nay phần nhiều vẫn do khâu nhận thức và tổ chức thực hiện Luật nhất là từ phía các bộ, ngành chủ quản và các địa phương.
Kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp cũng cho thấy, hạn chế, vướng mắc nhất hiện nay trong hoạt động GĐTP là công tác giám định theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực: Xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường... Trong đó, có trách nhiệm cả hai phía: Cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định và việc thực hiện giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trong phạm vi sửa đổi không đi vào vấn đề mà Ủy ban Tư pháp nêu ra, mà tập trung chủ yếu sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh trong GĐTP; sửa đổi, bổ sung quy định về việc kết luận giám định… Những phạm vi sửa đổi này không giải quyết được bài toán về sự cần thiết sửa đổi Luật.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng nhận định, từ năm 2013 đến nay đã có một số luật có liên quan đến Luật này đã sửa đổi, đòi hỏi công tác GĐTP phải có khả năng đáp ứng với pháp luật hiện hành. Tuy nhiên giữa yêu cầu, vướng mắc cần sửa đổi với nội dung sửa đổi trong Tờ trình còn chưa khớp nhau. Do đó, cần xác định phạm vi sửa đổi cho đúng và đảm bảo tính khả thi.
Tránh lạm dụng pháp luật
Đề cập đến tình trạng lạm dụng, lợi dụng giám định để trục lợi tiêu cực, thậm chí có cả “chạy” tội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong chỉ ra thực tiễn, trong giám định tâm thần chỉ cần “bỏ mấy đồng” là mất năng lực hành vi dân sự, phạm tội nhưng cuối cùng không truy cứu trách nhiệm hình sự được ai. Do đó, vấn đề đặt ra là, xử lý thế vấn đề này như thế nào để tránh lạm dụng, lợi dụng pháp luật.
Liên quan đến giám định trẻ bị xâm hại, có ý kiến cho rằng, quy trình hiện nay còn rất bất cập, do đó, phải quan tâm, nghiên cứu để sửa đổi những vướng mắc trong vấn đề này. Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ xâm hại trẻ em thời gian qua là do trước đó không được xử lý kịp thời, trong đó do không xử lý được vướng mắc trong quá trình giám định. Trong sửa Luật lần này cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi xử lý vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, qua đó bảo vệ trẻ em.
Ủy ban Thường vụ cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung đúng vấn đề thực tiễn hoạt động GĐTP đang đặt ra, như vậy Dự Luật mới giải quyết được điểm nghẽn trong hoạt động tư pháp thời gian qua, đặc biệt với các vụ việc tham nhũng, vụ việc phức tạp.