Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám định tư pháp các vụ án tham nhũng gặp khó

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hoạt động tố tụng, giám định tư pháp có đóng góp quan trọng, kết quả giám định sẽ là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án. Đó là vấn đề được nhấn mạnh khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp tố tụng hình sự.

 Ảnh minh họa.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2012, đã có khoảng 40 văn bản được ban hành, quy định cụ thể về chi phí giám định tư pháp và chế độ, chính sách đối với người làm giám định tư pháp; quy trình giám định chuẩn trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự… Bên cạnh các đơn vị, địa phương cũng chủ động tham mưu, trình HĐND ban hành quy định chế độ, chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực làm giám định tại địa phương mình như TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Vĩnh Phúc…

Hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập, hoạt động giám định chuyên trách trong 3 lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự đã được củng cố và hoàn thiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giám sát được các bộ chủ quản lĩnh vực giám định quan tâm đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp.

Về người giám định tư pháp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, hiện tổng số giám định viên trên toàn quốc là 6.154 người. Số người giám định tư pháp theo vụ việc được lựa chọn, công bố là 1.630 người trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên môi trường…

Tuy nhiên, các ý kiến từ Ủy ban Tư pháp cũng như các bộ, ngành cũng chỉ ra, một số lĩnh vực có nhu cầu giám định ngày càng cao như tài chính, ngân hàng… nhưng không có tổ chức giám định đầu mối chuyên trách dẫn đến trưng cầu giám định gặp khó khăn, nhất là đối với các vụ án tham nhũng kinh tế. Bởi các lĩnh vực này, cơ quan, tổ chức quản lý chưa thực sự coi giám định tư pháp là hoạt động chuyên môn, chưa xác định đầy đủ về trách nhiệm đối với công tác giám định tư pháp cũng như vai trò của giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Hà, “có tội hay không có tội là do giám định”. Bởi chỉ gây tỷ lệ thương tích 10% thì đối tượng không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng 11% là phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, giám định phải thật sự khách quan để cơ quan tố tụng sử dụng thông tin này trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, chỉ trừ khi cơ quan tiến hành tố tụng thấy có nghi ngờ thì mới phải tiến hành giám định bổ sung, hay giám định lại. Đồng thời, quá trình thực hiện cũng cho thấy, có không ít vụ án đã bị “tắc” do giám định.

Để khắc phục hạn chế, các ý kiến cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, đưa ra quy chuẩn giám định bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các vụ án. Ngoài ra, cần quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ giám định viên để nâng cao năng lực cũng như phẩm chất của người làm công tác giám định tư pháp…

Đồng thời, trước ý kiến nêu ra khó khăn, vướng mắc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, mà một trong những vướng mắc là do khâu giám định, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: Vướng mắc này có phải do Luật Giám định tư pháp không? Từ trước đến nay, khi vướng vào các vụ án, đặc biệt là án tham nhũng, kinh tế, tất cả đều “đồng thanh” là do Luật Giám định tư pháp. Cho nên, qua giám sát của Ủy ban Tư pháp lần này, vấn đề được đặt ra là phải xem xét, đánh giá tổng thể quá trình thực hiện luật xem cái nào tốt, cái nào vướng mắc, trong những vướng mắc thì “cái nào do Luật, cái nào do khâu tổ chức thực hiện”, tránh tình trạng cứ vướng thì “đổ do luật”.