Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Thu phí giữ chỗ trường tư là thiếu nhân văn

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothhi – “Mặc dù phí giữ chỗ được thực hiện theo quan hệ dân sự, là thỏa thuận, đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh, song đây là việc thiếu tính nhân văn”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nêu quan điểm.

Môi trường sư phạm cần đảm bảo tính nhân văn

Tại hội nghị hướng dẫn tuyển sinh vừa diễn ra, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã nêu quan điểm của cá nhân ông cũng như của ngành GD&ĐT Hà Nội về vài hiện tượng xảy ra ở một số trường tư thục mà báo chí nêu thời gian qua.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương: Môi trường giáo dục, môi trường sư phạm, cần đảm bảo tính nhân văn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: Gần đây có xuất hiện hiện tượng giữ chỗ ở một số trường tư thục; cá biệt có trường đưa ra mức phí giữ chỗ rất cao. Khi hỏi ra thì các trường giải thích là “để đảm bảo ổn định cho công tác tuyển sinh, tránh việc nay nộp hồ sơ mai lại rút gây xáo trộn tuyển sinh của nhà trường….”.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội không đồng tình với lý luận đó. Bày tỏ quan điểm về hiện tượng này, ông Trần Thế Cương cho rằng: “Môi trường giáo dục, môi trường sư phạm cần đảm bảo tính nhân văn. Vẫn biết rằng, phí giữ chỗ là sự thỏa thuận, đồng thuận giữa phụ huynh học sinh và chủ trường nhưng xét khía cạnh sư phạm là không hay. Tôi đề nghị các nhà trường rút kinh nghiệm về việc này”.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các trường tư thục phải luôn tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh. Đơn cử như trường hợp khi học sinh và phụ huynh học sinh đã nộp hồ sơ, nhưng sau khi hạ điểm chuẩn, nếu học sinh đủ điểm đỗ trường công lập và có nguyện vọng theo học thì các trường tư phải tạo điều kiện cho học sinh rút hồ sơ để nhập học trường công lập.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Tư lệnh ngành giáo dục Hà Nội cho hay: Thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ thành lập phòng quản lý giáo dục tư thục và có yếu tố nước ngoài để tăng cường quản lý các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài. Lý do bởi không chỉ Hà Nội mà TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác, việc quản lý trường tư, trường có yếu tố nước ngoài đôi lúc, đôi chỗ còn lỏng lẻo dẫn tới nhiều tình huống khó lường xảy ra. 

Trường quốc tế Mỹ Việt Nam TP Hồ Chí Minh (Ảnh: TL)
Trường quốc tế Mỹ Việt Nam TP Hồ Chí Minh (Ảnh: TL)

Nhắc lại vụ việc xảy ra ở Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) tại TP Hồ Chí Minh - nơi có lùm xùm tài chính, khoảng 1.400 học sinh chưa biết giải quyết thế nào, ông Trần Thế Cương cho hay: Nếu trường nào ở Hà Nội trót có cách hoạt động như vậy thì phải chấm dứt ngay bởi Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các lực lượng bảo vệ pháp luật xem xét, giải quyết.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội còn đề cập đến một “hiện tượng lạ” trong giáo dục, đó là: 1 học sinh đi học trường tư nào đó thì phải đóng phí. Nhưng nếu học sinh đó mời được 3- 4 học sinh khác thì được miễn phí; nếu mời được 7- 8 học sinh vào trường thì vừa được miễn phí vừa được “hoa hồng”; đồng thời đặt câu hỏi: “Đó có phải là đa cấp trong giáo dục không?”.

Ông Trần Thế Cương khẳng định: “Môi trường giáo dục, môi trường nhân văn, môi trường sư phạm không cho phép điều đó. Nếu phát hiện ra đơn vị nào thì với thẩm quyền Giám đốc Sở GD&ĐT - trước đây trình lãnh đạo thành phố ra quyết định phê duyệt thành lập trường thì tôi sẽ trình thành phố đề xuất đề nghị giải tán trường”.

Tư lệnh ngành giáo dục thẳng thắn phê bình một trường tư ở Hà Nội khi để xảy ra tình trạng “ký gửi” học sinh, cho học sinh học, có kiểm tra, đánh giá, có điểm nhưng không có mã định danh để thi tốt nghiệp THPT và đề nghị trường này cần chấm dứt việc trên, nếu còn xảy ra thì sẽ kiên quyết không giao chỉ tiêu, thậm chí có thể xem xét, yêu cầu rút giấy phép.

Ông Trần Thế Cương rất chia sẻ với các trường tư thục khi phải cạnh tranh, phải lấy thu bù chi và quá trình vận hành, hoạt động còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo ông “với lương tâm nhà giáo, lương tâm của nhà làm sư phạm thì không nên và không cho phép làm điều đó trong trường học”.

Từ những câu chuyện và vấn đề nêu trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị một số trường tư cần nghiêm túc triển khai theo quy định của Luật Giáo dục và  pháp luật hiện hành.

 

Người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội cũng ghi nhận, biểu dương vai trò, đóng góp quan trọng của trường tư thục trong hệ thống giáo dục Thủ đô nói chung và thành tích của ngành nói riêng; trong đó có những giáo viên giỏi tích cực tham gia các hội thi do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức như Hội thi giáo viên dạy giỏi và đạt giải cao. 

Liên quan đến các kỳ thi, tuyển sinh, ông Trần Thế Cương cho biết, hiện cán bộ coi thi phải là công chức, viên chức công tác ở trường công lập. Tới đây, ngành giáo dục Hà Nội sẽ đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép trưng tập giáo viên trường tư tham gia quá trình tổ chức thi.