Kinhtedothi - Từ năm 2013 đến nay, điểm số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội liên tục được cải thiện. 2015 là năm PCI Hà Nội được xếp hạng cao nhất tính từ khi chỉ số này được công bố, tuy nhiên, khi so sánh với các đầu cầu Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh thì thứ hạng PCI của Thủ đô vẫn còn một khoảng cách. Hà Nội có thể học hỏi được gì từ các địa phương này? Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ. PCI năm 2015 của Hà Nội tăng 2 bậc, xếp thứ 24/63 tỉnh, TP. Những điểm sáng nào đã làm nên kết quả này, thưa ông? - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ lãnh đạo cấp TP đến chính quyền cơ sở, môi trường kinh doanh của Hà Nội đã có chuyển biến tích cực, điểm số và xếp hạng PCI tăng trưởng bền vững. Điều này cho thấy cộng đồng DN ghi nhận sự nỗ lực ấy trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP. Hà Nội đã phát huy những lĩnh vực có lợi thế và có truyền thống xếp hạng tốt, đồng thời tập trung cải thiện những chỉ số có ý nghĩa quan trọng đối với DN. Đó là các dịch vụ hỗ trợ DN, nguồn nhân lực chất lượng cao, tính minh bạch trong tiếp cận thông tin... Theo tính toán của các chuyên gia, chất lượng đào tạo lao động được coi là một trong những nhân tố hàng đầu quyết định khả năng thu hút đầu tư, tác động tới tương lai sự phát triển của nền kinh tế. Theo kết quả điều tra 2015, DN đánh giá tốt hơn về dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ xúc tiến thương mại, dịch vụ liên quan đến công nghệ. TP chú trọng công khai các thủ tục hành chính, về công tác chỉ đạo điều hành, các tài liệu về kế hoạch, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất… Những lĩnh vực có sự cải thiện rõ ràng nhất là các cuộc đối thoại giữa các cấp chính quyền với DN và các Hiệp hội DN được tăng cường, duy trì thường xuyên và hiệu quả. Theo phản ánh của DN những lĩnh vực đã có sự cải thiện mạnh, rõ ràng là: Thuế, hải quan, đăng ký thành lập DN, cấp sổ đỏ, xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn ngắn hạn cho DN. Hà Nội thực hiện giảm thời gian giải quyết thủ tục thành lập DN từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc từ ngày 1/1/2015 (sớm trước 6 tháng theo quy định của Luật DN 2014). Đã thực hiện vượt cả chỉ tiêu và thời gian theo Nghị quyết 19/NQ-CP về kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử và rút ngắn thời gian nộp thuế. Tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt 98,56%, chiếm gần 20% của cả nước; tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt 96,7 %, chiếm trên 20% của cả nước; rút ngắn thời gian nộp thuế của DN còn 117 giờ/năm, vượt chỉ tiêu 121,5 giờ/năm. Thủ tục hải quan trên địa bàn đã tiếp cận chuẩn mực của các nước tiên tiến trong khu vực, phù hợp với cam kết quốc tế... Môi trường kinh doanh thông thoáng hơn nên nguồn đầu tư phát triển của khối DN dân doanh ngày càng tăng. Đến năm 2015 tỷ trọng vốn đầu tư phát triển của DN dân doanh chiếm 61,4% tổng vốn đầu tư phát triển toàn TP (năm 2011 tỷ lệ này là 43%), chứng tỏ rằng sự động viên, hỗ trợ khởi nghiệp và đầu tư cho doanh nhân, DN ngày càng phát huy được hiệu quả. Mặc dù vậy nhưng thứ hạng của Hà Nội vẫn còn một khoảng cách so với các địa phương dẫn đầu. Điều này cho thấy Hà Nội còn đi chậm hơn và còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ? - Đúng vậy, mặc dù DN đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực của hệ thống chính quyền TP, nhưng việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh còn chậm so với yêu cầu. Tính minh bạch, việc giảm thời gian và chi phí của DN để thực hiện các quy định của pháp luật chậm được cải thiện. Hà Nội còn có các chỉ tiêu xếp hạng ở vị trí thấp và một số lĩnh vực xếp hạng thấp chưa được cải thiện nhiều như: tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức, chi phí thời gian thực hiện các quy định... Bên cạnh đó còn có những hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn lực và thị trường của DN như tín dụng, đất đai, khoa học và công nghệ, năng lực đáp ứng của cơ sở hạ tầng, tiếp cận thị trường đầu ra trong nước, tiếp cận thị trường nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông? - Từ năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, TP triển khai quyết liệt các quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất của Thủ đô. Tất cả các dự án có sử dụng đất đều phải rà soát lại, tạm dừng chờ quy hoạch mới. Bên cạnh đó, giá đất của Hà Nội luôn cao nhất trong cả nước và được sự quan tâm của rất nhiều các nhà đầu tư, DN nên việc tiếp cận đất đai tại Hà Nội luôn là nội dung mang tính cạnh tranh cao, DN dành nhiều thời gian, công sức. Nhiều vướng mắc về giá đất, GPMB, điều kiện thời hạn thuê đất… chưa được giải quyết do hệ thống pháp lý còn chồng chéo và chưa phù hợp với thực tiễn. Những điều này đã ảnh hưởng lớn đến cảm nhận của các DN. Không riêng Hà Nội, các TP trực thuộc T.Ư đều gặp nhiều vấn đề về đề mặt bằng kinh doanh. Năm 2015, chỉ số này của TP Hồ Chí Minh là 55/63, Hải Phòng là 61/63, Hà Nội là 63/63. Hà Nội cũng là TP có môi trường cạnh tranh quyết liệt, gay gắt, có số lượng DN rất lớn (hiện có trên 135.000 DN đang hoạt động, chiếm 1/4 số lượng DN của cả nước) nên so với các tỉnh, TP khác, DN có nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận các dịch vụ công và thực hiện các thủ tục hành chính. Một số thủ tục đã và đang có hiện tượng quá tải như: thủ tục thuế, đăng ký DN... nên phần nào đã làm DN mất thêm thời gian, đi lại và cá biệt có các trường hợp gây bức xúc cho cả DN và cán bộ thực hiện. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự vào cuộc, chỉ đạo chưa quyết liệt để cải thiện từng chỉ số, chỉ tiêu cụ thể liên quan đến ngành. TP đã và sẽ làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, đặc biệt là khắc phục tình trạng một bộ phận không nhỏ đơn vị cấp dưới chậm đổi mới, ì ạch như ông vừa nêu? - Với mục tiêu tiếp tục cải thiện vị trí và xếp hạng về môi trường kinh doanh và Chỉ số PCI, năm 2016 TP tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, theo phương châm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức trong hỗ trợ và phục vụ DN. Tất cả các sở, ngành, quận, huyện, thị xã công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, DN trên trang thông tin điện tử của đơn vị... Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các ngành, các cấp, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến DN như đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, điện, tín dụng, bảo hiểm xã hội … theo hướng tăng cường một cửa liên thông để chủ động giảm thời gian, giảm thủ tục so với quy định của T.Ư. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Tận dụng những tác động lớn và diện rộng của CNTT với mạng lưới DN đông đảo và năng động. Hà Nội phấn đấu đi đầu cả nước về xây dựng Chính quyền điện tử. Tăng tỷ lệ giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính qua mạng: Đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, quy hoạch... TP cũng luôn đồng hành cùng DN trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với những cam kết quốc tế; đồng thời tháo gỡ khó khăn của DN và phát huy vai trò của các Hiệp hội DN, ngành nghề; khuyến khích các Hiệp hội DN, ngành nghề tham gia tích cực trong việc phản biện các chính sách, cải cách thủ tục hành chính của TP. Theo ông, Hà Nội có thể học hỏi được gì từ các địa phương đứng ở Top đầu bảng xếp hạng? - Theo nghiên cứu của chúng tôi, một số tỉnh, TP đã có những sáng kiến cải cách, được cộng đồng DN ghi nhận như: Đà Nẵng: Xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, hướng tới xây dựng TP thông minh. Tuyên Quang: Phát huy vai trò của Hiệp hội DN trong việc tạo kênh đối thoại DN – chính quyền. Quảng Ninh: Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công tỉnh và 14 trung tâm cấp huyện. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Tăng cường liên kết vùng trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Xin cảm ơn ông!