Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm đóng BHXH còn 15 năm, người lao động được hưởng bao nhiêu % lương hưu?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ Tư pháp đề nghị Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc đề xuất điều chỉnh chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần, rút ngắn số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống còn 15 năm để tránh gây tâm lý hoang mang cho người lao động.

Đánh giá kỹ tác động chính sách, tránh gây tâm lý hoang mang
Bộ Tư pháp đã hoàn thành báo cáo thẩm định đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Trong đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ LĐTB&XH – cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của chính sách BHXH một lần, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm thì người lao động sẽ được hưởng bao nhiêu % lương hưu.

 Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Đông Anh năm 2021. Ảnh: Trần Oanh. 
Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách của Bộ LĐTB&XH xác định “Số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm” và đề xuất giải pháp “Điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng cụ thể: Nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà sau một năm không tham gia BHXH đề nghị hưởng BHXH một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng 1 lần mức lương bình quân tháng đã đóng BHXH.
Trường hợp người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng hoặc người lao động mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng 2 lần mức tiền lương bình quân đã đóng BHXH.
Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 đã quy định cụ thể, chặt chẽ các trường hợp người lao động được hưởng BHXH một lần (Điều 60, Điều 77). Việc ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 chỉ mang tính chất tạm thời, xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có thời gian đóng BHXH ngắn, có nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt.
Theo Bộ Tư pháp, việc thực hiện giải pháp này có thể dẫn đến mức hưởng BHXH một lần thấp hơn mức hưởng hiện nay. “Để tránh gây ra những phản ứng xã hội không tốt như trường hợp Luật BHXH năm 2015, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách (nhất là về lộ trình) giải quyết đế độ BHXH một lần, tránh gây ra tâm lý hoang mang cho người lao động; từ đó đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả, hợp lý” – Bộ Tư pháp nêu ý kiến.
Thời gian đóng BHXH ngắn, có thể mức lương hưu sẽ thấp
Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, phù hợp với tinh thần, mục tiêu mà Nghị quyết số 28/NQ-TW đặt ra.
 Người lao động tham gia ứng tuyển tại Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Đông Anh 2021. Ảnh: Thủy Trúc.
Bộ Tư pháp cho rằng, đây là một trong những chính sách lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và đảm bảo cân đối quỹ BHXH. Tuy nhiên, nếu đóng với thời gian ngắn, mức lương hưu cho người lao động được nhận thấp, có thể không đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động khi nghỉ hưu và có thể dẫn đến nguy cơ phải điều chỉnh lương hưu đối với người có lương hưu thấp trong tương lai, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách chưa phân tích kỹ tác động chính sách, nhất là tác động về kinh tế, xã hội. Và, chưa làm rõ tỷ lệ lương hưu tương ứng như thế nào đối với thời gian đã giảm dần (giữ nguyên mức hưởng 45% như hiện hành hay giảm xuống tỷ lệ nào mà vẫn đảm bảo được điều kiện sống cho người lao động?). Do đó, để đảm bảo tính khả thi, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ LĐTB&XH - cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động của chính sách này.
Đối với đề xuất bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện, cụ thể là lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho một con mới sinh, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ LĐTB&XH đánh giá tác động kỹ về mặt kinh tế, đặc biệt là khả năng cân đối ngân sách nhà nước khi chi trả các chế độ này.