Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm hàng loạt lãi suất chủ chốt: Ngân hàng “chia lửa” với doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi phát đi tín hiệu điều chỉnh lãi suất điều hành trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức công bố mức lãi suất điều hành mới áp dụng từ 17/3. Đây là lần điều chỉnh giảm loạt lãi suất điều hành thứ hai trong vòng 4 tháng, sau lần điều chỉnh thứ nhất vào tháng 11 năm ngoái của NHNN.

Khách hàng giao dịch tại Nam A Bank. Ảnh: Thanh Hoa
Thời điểm phù hợp giảm lãi suất điều hành
Theo đó, lãi tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm xuống 4,75% từ mức 5%/năm trước đó. Mức lãi tối đa của các khoản tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng giảm còn 0,5%/năm (trước đó là 0,8%). Song song với lãi tiền gửi, NHNN cũng giảm lãi suất cho vay tối đa ngắn hạn bằng VND của các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 0,5 điểm %, từ 6% xuống 5,5%/năm. Ngoài ra, các khoản tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng (NH) và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NH… cũng giảm khoảng 0,5 - 1%.
Theo NHNN, giảm lãi suất điều hành là một cơ chế chính sách, giải pháp giúp TCTD có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện hỗ trợ các DN. Hạ lãi suất điều hành cũng là xu hướng đang diễn ra trên thế giới. Như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất 0%, NH Dự trữ New Zealand hạ lãi suất cơ bản xuống 0,25%, NH T.Ư Thái Lan giảm từ 1,25% về 1%/năm. Hàn Quốc hạ lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục xuống còn 0,75%… nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trước tác động của Covid-19.
Trong hai tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước cho thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 lên hoạt động của NH đã bắt đầu hiện rõ. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, các NH hiện dư thừa thanh khoản, tiền nhiều mà cho vay ra khó khăn. Chính vì vậy, đây là cơ hội vàng để giảm lãi suất cho vay.
Một yếu tố khiến các chuyên gia băn khoăn là lạm phát. Số liệu Tổng cục Thống kê, lạm phát bình quân 2 tháng đầu năm đã tăng 5,91% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong 7 năm gần đây. Tuy nhiên, CPI 2 tháng đầu năm bị chi phối lớn bởi giá hàng ăn, dịch vụ ăn uống và nhóm y tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo nhận xét của TS Võ Trí Thành, nhóm hàng hóa trên tăng chỉ trong ngắn hạn do nhu cầu tăng mạnh dẫn đến giá tăng. Khi tổng cầu giảm có thể sẽ khiến lạm phát điều chỉnh giảm. Cùng với đó, giá dầu thế giới giảm sâu. “NHNN theo dõi tình hình lạm phát hạ nhiệt hơn, đã cân nhắc điều chỉnh lãi suất và sử dụng dư địa chính sách tiền tệ một cách phù hợp” - TS Thành bày tỏ quan điểm. 
Băn khoăn khả năng hấp thụ
Mặc dù ghi nhận và đánh giá cao sự đồng hành, chia sẻ của các NH, song điều mà các chuyên gia băn khoăn là liệu gói hỗ trợ tín dụng có phát huy hiệu quả như mong muốn. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay hoạt động của nhiều DN đang bị ngừng trệ, vì vậy nhu cầu vay vốn trên thị trường không nhiều.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, một chuyên gia cho biết, khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là sản xuất bị đình trệ do thiếu nguyên vật liệu khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn hoặc hàng hóa làm ra không xuất khẩu được do sức cầu sụt giảm vì dịch bệnh. Về phía NH cũng vậy, họ có thể giảm lãi suất, có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng đối với việc cho vay mới chắc chắn sẽ phải cân nhắc cẩn trọng đối tượng khách hàng trước khi giải ngân nếu không muốn nợ xấu gia tăng trong tương lai.
"Trong bối cảnh hiện nay, phải kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn” - nhóm phân tích BIDV đề xuất. Giảm lãi suất điều hành và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công được coi là giải pháp cấp bách và hiệu quả nhất để kích thích nền kinh tế. Cuối cùng, cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Làm sao chính sách đi vào cuộc sống sớm nhất, nhanh và đúng đối tượng, sẽ là liều vaccine tốt nhất trong bối cảnh hiện nay.
Phải xem xét, áp dụng gói hỗ trợ vào những lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất bởi dịch Covid-19. Chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để duy trì và phát triển kinh tế, trong đó vai trò “bà đỡ” của Nhà nước là hết sức quan trọng. Phải thể hiện sự công bằng, hỗ trợ đồng bộ, không phân biệt công tư, DN lớn, nhỏ, thậm chí đơn vị nhỏ lẻ, hộ gia đình còn bị tác động rất lớn.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - trường Chính sách công và Quản lý Fulbright