Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám khảo quốc tế nhìn nhận như thế nào về cuộc tuyển chọn nghệ sỹ của Sun Symphony Orchestra?

Nguyên Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba ngày tuyển chọn nghệ sỹ của dàn nhạc Sun Symphony Orchestra đã để lại những ấn tượng sâu sắc về sự chuyên nghiệp, công minh và nghiêm túc.

Nghiêm túc, chuẩn mực, chuyên nghiệp
Ba ngày tuyển chọn nghệ sỹ của dàn nhạc Sun Symphony Orchestra tại nhà hát Star Galaxy, đã diễn ra trang trọng, nghiêm túc, trong sự hào hứng của thí sinh, sự làm việc tận tụy và hết sức chuyên nghiệp của hội đồng tuyển chọn.

Hàng trăm nghệ sỹ Việt Nam và nước ngoài đã trực tiếp đến biểu diễn trước giám khảo quốc tế. Hơn 150 bài dự thi gửi về từ nước ngoài cũng đã được Hội đồng nghệ thuật đánh giá công tâm.
Chương trình tuyển chọn được tổ chức theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, các giám khảo trực tiếp nghe thí sinh biểu diễn, trong một khán phòng biệt lập, để nghệ sỹ và giám khảo có thể tập trung hết mình cho âm nhạc. Đối diện khán phòng chính, Hội đồng điều hành và Hội đồng tư vấn của dàn nhạc cùng đồng thời được theo dõi các bài biểu diễn thông qua tường thuật trực tiếp.
Hội đồng nghệ thuật với 5 giám khảo quốc tế gồm ông Olivier Fabrice Ochanine - Giám đốc âm nhạc, nhạc trưởng của Sun Symphony Orchestra- người từng dẫn dắt dàn nhạc giao hưởng quốc gia Phillipine - Philippine Philharmonic Orchestra (PPO) vươn tầm quốc tế; Nghệ sỹ violin quốc tế người Nga Stepan Yakovich- giảng viên tại Nhạc viện Moscow; nghệ sĩ kèn oboa Rachel Walker tới từ dàn nhạc giao hưởng quốc gia Singapore Symphony Orchestra; nghệ sỹ kèn cor Javier Bonet, dàn nhạc giao hưởng quốc gia Tây Ban Nha; bè trưởng Timpani Vadim Simongauz- dàn nhạc giao hưởng Auckland Philharmonia Orchestra.

Nhận xét về cuộc tuyển chọn này, PGS, TS Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam nói: “Đây là hình thức tuyển chọn chuyên nghiệp mà các dàn nhạc của thế giới đều áp dụng như là một tiêu chuẩn bắt buộc từ châu Âu, châu Á hay cả những dàn nhạc trẻ. Nghệ sỹ tham dự tuyển chọn đa dạng. Ban giám khảo thì rõ ràng rất uy tín rồi”.
Viết tiếp những giấc mơ giao hưởng với SSO

Không giống như một cuộc thi tuyển, bên ngoài khán phòng, không khí không hề căng thẳng, bởi các nghệ sỹ đều đã “mong chờ cơ hội này lâu rồi”. Họ hào hứng cùng trao đổi, tập luyện chờ đến phần biểu diễn của mình. Có những thí sinh đã đã 55 tuổi như chị Nguyễn Anh Tú- nghệ sỹ cello, cũng có thí sinh mới 16 tuổi như em Cẩm Tú, học viên Nhạc viện Hà Nội, và cả những người đã từng học ở nước ngoài, đã có tên tuổi hay những người nhiều năm rồi phải rời xa niềm đam mê âm nhạc… Với họ, buổi tuyển chọn hôm nay không chỉ là cơ hội lớn, là giấc mơ có thật mà còn là một sân chơi thú vị, để họ được sống với nghề, được theo đuổi giấc mơ âm nhạc.
Khi được hỏi lý do vì sao ghi tên tham dự tuyển chọn, nghệ sỹ cello Nguyễn Anh Tú hồ hởi: “Với tôi, đây là một giấc mơ, giấc mơ có thật. Tôi từng tốt nghiệp xuất sắc nhạc viện, học nhạc 16 năm, để rồi không thể chơi cello cũng vì nhiều lý do. Giờ tới lúc tôi trở lại với nghề, chơi nhạc bằng đam mê của mình, không còn lo lắng gì nữa. Sân chơi này được tạo ra để cho mình, vì sao không thử sức”.

Còn thí sinh nhỏ tuổi nhất, em Cẩm Tú nói: “Em đã theo đuổi ước mơ với nhạc giao hưởng, với contrabass đã hơn 10 năm rồi. Em thật sự mong chờ những đột phá từ SSO, để nghệ sĩ Việt có cơ hội được trưởng thành trên chính quê hương mình”.
Chị Hồng Nhung, giáo viên âm nhạc tại Singapore đã vội đáp chuyến bay về nước để kịp tham dự buổi tuyển chọn, chỉ đơn giản vì: “Tôi nhìn thấy cơ hội phát triển sự nghiệp của các nghệ sĩ nhạc cổ điển Việt Nam đang ngày càng rộng mở. Với Sun Symphony Orchestra, tôi hi vọng Việt Nam có một dàn giao hưởng chuyên nghiệp thực sự.”

Trong hàng trăm thí sinh tham dự chương trình tuyển chọn của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời, có Hiroyuki Kawamoto- nghệ sỹ timpany rất trẻ đến từ Nhật Bản. Hiroyuki Kawamoto chia sẻ với chúng tôi lý do anh đến với SSO: “Tôi học nhạc ở Anh và ở Đức, và thường tham gia vào các dàn nhạc giao hưởng châu Âu cũng như Nhật Bản. Lý do tôi đến đây dự tuyển bởi Sun Symphony Orchestra là một dàn nhạc hoàn toàn mới và tôi muốn cùng với các nghệ sỹ khác tham dự vào quá trình hình thành nên một dàn nhạc mới này. Điều đó rất thú vị”.
Nghệ sỹ cello Hà Miên - thành viên dàn nhạc trẻ Châu Á, từng tham gia dàn nhạc tại Viene (Áo) bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có cuộc thi đúng chuẩn quốc tế, dù tôi đã từng tham dự rất nhiều cuộc thi ở nước ngoài. Tôi rất vui mừng khi chứng kiến những thế hệ thầy cô, nghệ sỹ đi trước lẫn học trò, đàn em của mình cùng đến đây tham dự”.

Tâm huyết của những người “cầm cân nảy mực”

Không giống như những cuộc tuyển chọn khác, các thí sinh nghệ sỹ vô cùng ấn tượng với Ban giám khảo. “Rất thích cách các giám khảo liên tục khích lệ, tạo tư tưởng thoải mái nhất cho nghệ sỹ dự tuyển”, thí sinh trẻ Cẩm Tú có chung nhận định đó với nghệ sỹ cello kinh nghiệm Ngọc Mai Hoa. Cũng bởi lẽ đó mà mỗi thí sinh bước ra từ khán phòng đều vui vẻ, như thể họ vừa trải qua một cuộc chơi lý thú với âm nhạc.
Chia sẻ với chúng tôi, giám khảo Javier Bonet nói: “Tôi có một dự án khác thời gian này, nhưng ngay khi nhận được lời mời làm giám khảo cho SSO, tôi đã hủy dự án đó để được có mặt ở đây. Được khởi đầu một dàn nhạc mới là một cơ hội hiếm có”.

Với nghệ sỹ Vadim Simongauz, việc trở thành giám khảo cho SSO là một đặc ân mà dàn nhạc dành cho ông. “Thật là tuyệt khi được tham gia vào thời điểm thành lập một dàn nhạc giao hưởng mới, ở Việt Nam, với những tiêu chuẩn quốc tế”, ông nói.

Một ngày tuyển chọn thành công ngoài mong đợi. Những niềm tin lớn được gửi trao cho SSO, những người thành lập nên dàn nhạc như được tiếp thêm lửa nhiệt huyết để tiếp tục hành trình sẽ nhiều gian nan nhưng đầy thú vị với Dàn nhạc SSO.

Chương trình tuyển chọn nghệ sỹ tiếp tục diễn ra trong hai ngày tiếp theo 20- 21/11. Kết quả sẽ được công bố tới từng nhạc công dự tuyển sau đó.