Giảm lãi suất cho vay: Tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hồi đầu tuần, 16 ngân hàng đã cam kết cùng tham gia giảm lãi suất cho vay đồng loạt để hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm phù hợp. Đánh giá cao động thái của các ngân hàng, song các ý kiến cho rằng việc tác động ngay tới nền kinh tế không còn tùy thuộc khả năng hấp thụ của DN và việc giảm lãi vay này phải là thực chất để giảm gánh nặng chi phí.

Giảm trung bình 1%

Đợt giảm lãi suất lần này tập trung hướng vào các DN đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch với mức giảm từ 0,5 - 2,5% cho từng khoản vay. Tính trung bình, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng giảm khoảng 1%. Việc giảm lãi suất sẽ thực hiện trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.

Agribank sẽ giảm lãi suất từ 0,5 - 2,5% cho từng khoản vay. Tính trung bình, lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%. Tương tự, đại diện BIDV cũng cho biết, giảm lãi suất ở mức 1%. MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các DN gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (DN trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…) với mức lãi suất có thể giảm 1% hoặc hơn, đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương)… Ngày 14/7, Sacombank thông báo sẽ giảm lãi suất 1%/năm với các khoản vay DN, cá nhân thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng, khách sạn, giáo dục, y tế... Đồng thời, tiếp tục ưu đãi, miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Trong lần bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, các DN du lịch tiếp tục là đối tượng chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề nhất. Các DN đề nghị ngân hàng giảm mức lãi suất vay đang áp dụng; không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ...

Đối với DN vận tải, nguồn doanh thu của các đơn vị vận tải giảm sút hoặc không có, song các khoản chi phí lớn phải trả như lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, bảo hiểm vật chất, bảo hiểm dân sự cho phương tiện, phí bến bãi, lương cho đội ngũ lái xe, nhân viên... gần như là cố định, đến hạn bắt buộc phải thanh toán. Do vậy, hoạt động của các đơn vị vận tải này đang bị ảnh hưởng rất lớn.

Nếu các ngân hàng sớm thực hiện sẽ giúp DN và người dân giảm bớt gánh nặng chi phí. Trước đây, hầu hết các ngân hàng đều đang có gói tín dụng ưu đãi giảm từ 0,5 - 1% nhưng hầu hết dành cho vay mới, việc giảm lãi cho những khách hàng đang vay vốn mới chủ yếu ở các ngân hàng thương mại lớn, có vốn nhà nước.

Doanh nghiệp đề xuất giảm thêm và dễ tiếp cận

Không chỉ kỳ vọng sớm được giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu, nhiều DN còn mong ngân hàng có điều kiện giảm trên diện rộng và mở rộng các đối tượng được tiếp cận. Đơn cử như đối với ngành lương thực, thực phẩm tưởng chừng như ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thế nhưng theo Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đặng Hiến: "Các DN trong ngành đang đứng trên đống lửa." Theo ông Hiến, hầu hết các nguyên liệu, phụ gia đầu vào đều tăng giá mạnh, trong khi các sản phẩm đầu ra lại nằm trong nhóm bình ổn thị trường nên DN rất khó để tăng giá bán. Lợi nhuận của các DN theo đó cũng sụt giảm ngày càng nghiêm trọng, chưa kể chi phí cho công tác đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng dịch tăng mạnh.

Giám đốc một công ty trong lĩnh vực xây dựng ở Hà Nội cho biết, DN đang vay vốn tại một ngân hàng cổ phần với mức lãi suất 9%/năm từ cuối năm ngoái đến nay. DN đã nhiều lần kiến nghị giảm lãi suất nhưng không thấy ngân hàng phản hồi.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) Cao Thị Phi Vân, các chính sách hỗ trợ dù ban hành rất kịp thời, nhưng thực tế có rất ít DN được thụ hưởng. Lúc này, các DN đang thật sự rất cần được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng, thông qua hỗ trợ cả khoản vay cũ và cho vay mới để tiếp tục ổn định sản xuất.

Có thể giảm cho vay trên diện rộng?

Tổng dư nợ cho vay hiện khoảng 9,5 triệu tỷ đồng. Giả sử nếu lãi suất cho vay giảm 1%, tương đương các ngân hàng sẽ giảm 95 nghìn tỷ đồng tiền lãi.

Nhận xét về việc giảm lãi suất này sẽ tích cực với những đối tượng nào, theo Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán Pinetree Nguyễn Duy Thành, nếu các ngân hàng áp dụng giảm lãi suất cho tất cả các khoản vay hiện hữu thì các ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ hưởng lợi. Hiện có 3 khu vực kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng chung của toàn nền kinh tế gồm: Xuất khẩu (9%), công nghiệp hỗ trợ (6,94%) và DN ứng dụng công nghệ cao (14,5%). Cụ thể hơn, các DN có đầu ra ổn định và đang đầu tư mở rộng năng lực sản xuất sẽ tận dụng tốt cơ hội này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường vẫn phải chờ thêm quyết định cụ thể của các ngân hàng mới xác định chính xác được đối tượng nào được hưởng lợi nhất. Trong tình hình tín dụng khởi sắc khi tăng 5,1% tính đến 15/6/2021 và có khoảng 10 ngân hàng thương mại đã xin được nới "room" để có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có động thái gây chú ý khi bơm lượng tiền lớn ra thị trường. Theo đó, hợp đồng bán kỳ hạn 6 tháng trị giá gần 7 tỷ USD của các ngân hàng cho NHNN sẽ đáo hạn trong tháng 7 và tháng 8/2021, nghĩa là có 157.000 tỷ đồng đang được bơm ra thị trường. Theo các chuyên gia, động thái NHNN bơm lượng tiền lớn ra thị trường nhằm giảm áp lực tăng lãi vay.

Theo các chuyên gia thuộc Hội Nghiên cứu thị trường Liên Ngân hàng Việt Nam (VIRA), vào tuần thứ 3 của tháng 7 này, hệ thống có thể sẽ đón dòng tiền lớn đáo hạn từ kênh NHNN mua ngoại tệ tập trung nhằm giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện, hỗ trợ giảm lãi suất. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thấp cũng như sẵn sàng tạo nguồn hỗ trợ trên thị trường mở (OMO).

Cập nhật gần nhất, đến ngày 12/7, lãi suất VNĐ trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục ổn định ở mặt bằng thấp; lãi suất qua đêm nằm dưới mốc 1%, cho thấy thanh khoản và nguồn vốn của hệ thống vẫn ổn định. Trong khi từ đầu năm đến nay các NHTM vẫn tập trung đẩy vốn vào kênh trái phiếu Chính phủ, dù lãi suất ở đây vẫn ở vùng thấp kỷ lục trong lịch sử, như kỳ hạn 5 năm tuần qua chỉ 1,08%/năm, 10 năm chỉ 2,17%/năm…

Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất cho vay có tác động tích cực đến toàn nền kinh tế, giảm gánh nặng chi phí cho bộ phận DN. Song trên tinh thần bảo đảm an toàn hệ thống, nên VIRA lưu ý nhóm DN nhỏ và vừa vốn dĩ không có nhiều tiềm lực tài chính để duy trì, việc huy động các nguồn tài chính mới để tồn tại qua dịch bệnh rất khó khăn vì không đủ điều kiện cho vay. Chuyên gia khuyến nghị nhóm này cần được những biện pháp hỗ trợ trực tiếp hơn để hạn chế thiệt hại xấu nhất.

"Hiện nay các gói vay trung dài hạn lãi suất tương đối cao từ 12 - 14%. Mong muốn của DN là các gói vay trung dài hạn thấp hơn là dưới 10% để phù hợp cho DN vừa và nhỏ phát triển. Lãi suất cho vay là yếu tố cốt lõi để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi lãi vay giảm thì mới hỗ trợ được nhiều hơn cho DN giảm chi phí vốn, còn người vay tiền kích thích chi tiêu." - Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất Havitech Đào Quang Huynh


Đại diện Công ty CP quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết, nửa đầu năm 2021, tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn ghi nhận con số khả quan 5,6%. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế có dấu hiệu chậm lại trong tháng 6 khi Việt Nam bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành lớn, thể hiện qua mức độ di chuyển giảm 40% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6 đạt 5,5%, trong khi đó cung tiền M2 chỉ tăng 3,5%. Mặt khác, lạm phát trung bình 6 tháng chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp trong bối cảnh lạm phát gia tăng trên toàn cầu và cho phép Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12 -14%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần