Giảm lãi suất huy động: Tín hiệu tích cực nhưng cần phải dài hơi

Theo Người Lao động
Chia sẻ Zalo

Các doanh nghiệp vẫn muốn dòng vốn phải ổn định trong thời gian dài để có thể mạnh dạn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Bắt đầu từ ngày hôm 26/9 một số ngân hàng có quy mô lớn, trong đó có các ngân hàng Thương mại Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng ở nhiều kỳ hạn. Thời điểm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước dịp cuối năm đã cận kề, việc hạ lãi suất huy động là tín hiệu tích cực, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để phát triển.
Mức điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam của một số tổ chức tín dụng (cả cổ phần và Nhà nước) ở các kỳ hạn dưới một năm được điều chỉnh giảm 0,3-0,5%/năm. Kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm…
 Điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nhận định, việc giảm lãi suất huy động cho thấy, thị trường đã ổn định, khi đó lãi suất cho vay sẽ có những điều chỉnh giảm trong thời gian tới, điều này sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp.
“Đón nhận thông tin này, cộng đồng doanh nghiệp hết sức phấn khởi, quan trọng nhất là sự ổn định đó được kéo dài trong bao lâu. Vì doanh nghiệp rất muốn dòng vốn phải ổn định về huy động vốn cũng như là về lãi suất cho vay. Vì chỉ có ổn định để các doanh nghiệp mạnh dạn để đầu tư”, ông Quốc Anh nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, một số doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu bị vướng vào vấn đề lãi suất, giá, cơ chế chính sách… sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Vì vậy, điều chỉnh giảm lãi suất huy động vào thời điểm này là tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch đặt ra và tăng tốc để phát triển.
Ông Đàm Quang Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam cho rằng, thông tin này tạo được tâm lý tự tin cho doanh nghiệp ổn định hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp xuất khẩu không phải lo việc điều chỉnh giá. Việc giá ổn định là sự cam kết của doanh nghiệp đối với thị trường quốc tế, cho nên chỉ cần có sự thay đổi rất nhỏ sẽ gây tâm lý hoang mang cho các bên nhập khẩu, gây bất lợi cho các doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước luôn bám sát thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Qua đó, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo các mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước vẫn xác định khi cầu trong nước tăng trở lại, và kinh tế tăng trưởng, việc điều hành lãi suất để ổn định mặt bằng lãi suất.
“Chính phủ chủ trương là phải tiếp tục thực hiện biện pháp tháo gỡ khó khăn cho cho doanh nghiệp. Trong đó một trong biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là ổn định được mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Để đạt được mục tiêu này Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi sát diễn biến của thị trường và điều tiết để giúp cho việc đáp ứng nhu cầu vốn trong ngắn hạn”, bà Hồng lý giải.
Việc giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 1 năm là tín hiệu tốt để các doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sự việc điều chỉnh này sẽ được kéo thời gian để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần