Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 diễn ra chiều 3/3.
Doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn
Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin, sáng 3/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2023. Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để thực hiện mục tiêu này.
Trong 2 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Mặc dù so với cùng kỳ, lạm phát tăng cao những tháng cuối năm 2022, nhưng 2 tháng đầu năm nay đã được kiểm soát ở mức phù hợp khi tăng 4,6%.
Tuy vậy, các thành viên Chính phủ đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tiếp tục chậm lại. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%), thấp nhất trong cùng kỳ 2 tháng từ năm 2001 đến nay.
Hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử, lương thực, thực phẩm... đều giảm hoặc tăng thấp. Cá biệt ngành sản xuất thiết bị điện giảm trên 50%.
Tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/2 chỉ đạt 0,77% so với cuối năm trước, cho thấy khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 2 tháng giảm 11,2% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 14,5%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đều giảm, lần lượt là 13,2%, 10,4% và 16% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc tăng (4,2%) nhưng không bù đắp được sự suy giảm tại các thị trường lớn khác như: Mỹ (giảm 21 %), Hàn Quốc (giảm 5,7%), ASEAN (giảm 7,9%), EU (giảm 4,2%), Nhật Bản (giảm 5,9%)...
Bên cạnh đó, thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn.
Chủ động, linh hoạt gỡ khó cho thị trường, doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chỉ còn một tháng nữa là hết quý I/2023 nên cần phân tích kỹ lưỡng tình hình, đánh giá trung thực về những việc đã làm được, những tồn tại, khó khăn, các nguyên nhân và bài học để có giải pháp.
Thủ tướng nhắc tới một số vấn đề trên thế giới tác động tới tình hình trong nước, như lạm phát ở Mỹ và các nước châu Âu tiếp tục ở mức cao. FED đã phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các bộ ngành, địa phương cần chủ động phân tích, đánh giá tình hình, có các giải pháp điều hành cân bằng, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Thủ tướng đặt vấn đề, cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân...
Việc giải quyết khó khăn cần lựa chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, tác động lan tỏa, truyền cảm hứng để làm các công việc khác.
Thực hiện chính sách tiền tệ, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động triển khai các công việc trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phân công, phân cấp rõ ràng đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, năng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Chủ động giải quyết các khó khăn của người dân, doanh nghiệp, các vướng mắc về pháp lý với tinh thần: đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể; chủ động, kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh, những vấn đề mới.
Tập trung thực hiện tốt 5 công tác: Quy hoạch; giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn; triển khai các chương trình mục tiêu; xúc tiến đầu tư, thương mại, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.