Giảm mọi nhũng nhiễu, phiền hà để doanh nghiệp phát triển

theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp, TPHCM đưa ra kế hoạch thành lập thêm 50.000 doanh nghiệp trong năm nay.

Khi được hỏi liệu số lượng 50.000 doanh nghiệp được thành lập mà Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra trong năm 2017 có thể đạt được hay không, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho biết: 50.000 doanh nghiệp vẫn nằm trong tầm tay của TPHCM.
"Chúng ta đã có nhiều chính sách, cụ thể như hỗ trợ về kiến thức khởi nghiệp, thành phố hình thành nên các lớp bồi dưỡng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp," TS. Trần Hoàng Ngân lưu ý.
 TP HCM đang tập trung nâng cao chất lượng doanh nghiệp (Ảnh minh họa: KT)
Đã có nhiều giải pháp được thành phố đưa ra để đạt được con số 50.000 doanh nghiệp trong năm 2017 và hướng đến con số 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020, đó là: Tạo mọi điều kiện, giảm mọi nhũng nhiễu, phiền hà để doanh nghiệp phát triển; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách hành chính; hướng doanh nghiệp phát triển vào những ngành nghề có hàm lượng giá trị cao.
Quan trọng hơn là thành phố đã có những gói hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bằng những hành động cụ thể như gói 2.000 tỷ để kích cầu để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới máy móc, công nghệ; gói 1.000 tỷ để kích thích chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Song song đó, thành phố còn hình thành các tổ công tác để giúp các doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn tới.
Chuyên gia kinh tế và các nhà lãnh đạo, quản lý của thành phố lạc quan về số lượng doanh nghiệp sẽ đạt được trong năm nay và trong tương lai. Nhưng dựa trên số doanh nghiệp đang tồn tại và hoạt động, không ít người băn khoăn về số lượng và chất lượng doanh nghiệp hiện nay.
Theo thống kê của thành phố Hồ Chí Minh, cuối năm 2016 thành phố có khoảng 270.000 doanh nghiệp, còn theo số liệu của Cục thuế thành phố là 170.000 , nhưng số doanh nghiệp thực tế nộp thuế thì chỉ có khoảng trên 130.000. Còn hơn một nửa doanh nghiệp đang ở đâu thì chưa có đơn vị nào kiểm tra.
Theo thông lệ, lâu nay Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ cấp phép thành lập doanh nghiệp, nhưng lại không có hậu kiểm. Vì thế không biết doanh nghiệp có hoạt động đúng ngành nghề với số vốn đã đăng ký hay không và liệu đến nay còn tồn tại hay không. Đây là điều rất nguy hiểm, vì từ đây sẽ cho ra số lượng doanh nghiệp chỉ có trên giấy.
Do đó, Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị: Cùng với việc phát triển mới doanh nghiệp, thành phố cần phải điều tra lại số doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó tìm hướng đầu tư chắc chắn cho doanh nghiệp. Vì nếu chỉ nhằm vào số lượng mà không hướng đến chất lượng doanh nghiệp thì e rằng mục tiêu đặt ra cũng chỉ chạy theo thành tích mà thôi.
Ông Huỳnh Văn Minh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị với TPHCM nên tổ chức lại tổng điều tra doanh nghiệp giống như tổng điều tra dân số, lấy địa bàn quận, huyện để làm điều tra.