Giảm nỗi lo cho doanh nghiệp

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu các bộ, cơ quan phải đảm bảo việc tổ chức thanh - kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với DN một năm/lần, không trùng lắp, chồng chéo.

Cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho DN tiếp tục được người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo cụ thể nhằm giúp các DN giảm bớt nỗi lo và những gánh nặng chi phí cho các đợt thanh - kiểm tra của cơ quan quản lý.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2015 có đến 74% DN phải đón tiếp các đoàn thanh - kiểm tra thuộc tất cả các lĩnh vực. Trung bình, các DN nhỏ và vừa phải tiếp 1 - 2 đoàn thanh - kiểm tra/năm; các DN lớn phải tiếp 3 đoàn. Có 18% DN siêu nhỏ, 24% DN nhỏ, 43% DN quy mô vừa và 50% DN quy mô lớn đón tiếp ít nhất 3 đoàn kiểm tra trong năm gần nhất. Một DN có thể phải tiếp 16 – 17 đoàn thanh tra trong một năm; Tình trạng trùng lặp về nội dung thanh - kiểm tra cũng đáng báo động, đoàn thanh tra này vừa ra thì đoàn thanh tra khác lại vào… DN nào “không biết điều”, “không chịu chi” sẽ bị kiểm tra thường xuyên,… là thực tế khiến việc thanh - kiểm tra luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều DN. Bên cạnh việc ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, có nhiều cuộc thanh - kiểm tra đưa ra những kết luận không chính xác làm thiệt hại cho DN nhưng cơ quan thanh tra, kiểm tra lại không có ai phải chịu trách nhiệm.

Năm 2016, thực hiện Nghị quyết 19/NQ – CP và Nghị quyết 35/NQ – CP đã ghi nhận những chuyển biến tích cực về môi trường kinh doanh, tuy nhiên hoạt động thanh, kiểm tra vẫn có không ít ý kiến phản hồi gay gắt từ phía DN. Chính vì thế với việc ban hành văn bản yêu cầu chỉ tổ chức thanh - kiểm tra, kiểm toán DN một năm/lần, không trùng lắp, chồng chéo được cộng đồng DN đón nhận như một động thái tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN vượt qua những khó khăn để đưa kinh tế - xã hội phát triển.

Tuy nhiên, hạn chế những hành vi làm dụng quyền lực làm phiền, làm khó DN không đồng nghĩa với việc dung túng, bao che, thả lỏng hành vi vi phạm của DN. Cùng với quy định trên, Chính phủ cũng đã hoàn thiện và đưa website tiếp nhận mọi phản ánh của DN về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Đây là cầu nối quan trọng trước yêu cầu nóng bỏng về cải cách hành chính và cải cách tư pháp như hiện nay mà người đứng đầu Chính phủ gửi tới các DN. Môi trường kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch đi cùng với nâng cao hiệu quả công tác quản lý chỉ đạo điều hành và phục vụ được cụ thể hóa bằng những hành động quyết liệt nhằm giảm đi nỗi lo, gánh nặng cho người dân, DN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần