Giảm nửa tiền, vẫn đảm bảo chất lượng bảo dưỡng đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu từ năm 2014, tổng số tiền chi cho bảo dưỡng thường xuyên đường bộ chỉ còn một nửa so với năm trước. Tiền Quỹ Bảo trì đường bộ có hạn, cách chi tiêu đang được tính toán để có hiệu quả nhất.

Tiền cho bảo dưỡng thường xuyên giảm một nửa

Đầu năm, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương (BTĐBTƯ) đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN xây dựng kế hoạch với đơn giá sản phẩm bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) chiết giảm 50% so với năm 2013. Như vậy, số tiền chi cho BDTX năm nay chỉ còn khoảng 700 tỷ đồng so với gần 1.400 tỷ đồng chi năm 2013. Số tiền tiết giảm sẽ được điều cho công tác sửa chữa định kì, với các dự án cụ thể, được quản lý như đối với các dự án xây dựng cơ bản.

Chi cho BDTX đường bộ, trong cơ cấu đã được áp dụng rất nhiều năm nay chiếm khoảng 35% tổng số tiền BTĐB hàng năm. Khoảng 65% còn lại được chi cho sửa chữa định kì. Với sự tiết giảm nêu trên, cơ cấu chi BTĐB năm nay sẽ có sự thay đổi lớn.

 
Các đơn vị tham gia bảo trì đường bộ phải đảm bảo trang bị đầy đủ máy móc thiết bị công nghệ hiện đại.
Các đơn vị tham gia bảo trì đường bộ phải đảm bảo trang bị đầy đủ máy móc thiết bị công nghệ hiện đại.
Chịu trách nhiệm tham mưu cho Bộ GTVT về vấn đề này, ông Trần Quốc Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cho biết: BDTX đường bộ có nhiều hạng mục đã lạc hậu, không cần thiết, không có khối lượng và thực ra không kiểm soát được. Vụ KCHT đã tham mưu để Bộ GTVT giảm khoảng 5/15 hạng mục thuộc diện này. Ông Toản cũng khẳng định, dù giảm tiền nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng BDTX công trình.

Ông Nguyễn Đức Thắng - Q. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, sẽ chấp hành nghiêm việc cắt giảm này. Mặc dù theo kế hoạch trước đây, năm 2014 mới tiến hành đấu thầu 20% khối lượng công việc. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, Tổng cục sẽ cho triển khai đấu thầu toàn bộ công tác BDTX.

Ưu tiên tối đa cho cơ giới hóa

Ông Nguyễn Đức Thắng cũng cho biết, rất lo lắng về chất lượng đường sá khi tiền cho BDTX giảm một nửa. Tuy nhiên, để giải bài toán này, đối với các gói thầu BDTX, Tổng cục Đường bộ VN sẽ ưu tiên đưa cơ giới hóa, thiết bị, công nghệ hiện đại, vật liệu mới vào bảo trì đường sá để giảm chi phí. Mục tiêu của việc này là làm tăng năng suất lao động. Doanh nghiệp nào, đơn vị nào có trang thiết bị cơ giới sẽ được tham gia. Chỉ có cuốc xẻng không thôi sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

“Một máy san mỗi ngày làm vài km. Một máy xúc nhỏ hiện nay vài trăm triệu đồng, đào rãnh xúc đất cũng hàng chục m3 mỗi ngày. Như vậy, năng suất lao động mới cao được, mới cạnh tranh được và đời sống người lao động mới được cải thiện” - ông Thắng nói.
"Tiền dân đóng góp vào Quỹ Bảo trì đường bộ phải được chi trực tiếp vào đường sá. Bộ máy quá cồng kềnh, công nhân dư thừa thì phải tinh giản, bố trí cho làm các công tác khác. Tiền Quỹ không thể dùng để trả lương cho người ngồi chơi. Một đồng cũng phải chi tiêu hiệu quả, công khai, minh bạch, không được để lãng phí, thất thoát”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng
"Giá trần cho mỗi km BDTX chỉ còn 25 triệu đồng/năm, so với 50 triệu đồng/km năm 2013 đã giảm 50%. Và so với đơn giá định mức theo tiêu chuẩn hiện hành - xấp xỉ 150 triệu đồng/km/năm, thì các tiêu chí BDTX sẽ phải xem xét lại một cách cơ bản khi ra bài thầu”.
Ông Nguyễn Đức Thắng Q. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần