Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm phiền hà, tăng niềm tin với dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đó là ý kiến của Trung tá Lê Văn Phiêu, Đội phó Đội CSGT, Trật tự và Phản ứng nhanh (Công an quận Hai Bà Trưng) (ảnh dưới) khi trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh việc sang tên đổi chủ phương tiện giao thông cho người dân ngay tại cơ sở.

Giảm phiền hà, tăng niềm tin với dân - Ảnh 1
Ông có thể cho biết kết quả của việc phối hợp thực hiện sang tên đổi chủ phương tiện cho người dân tại phường Ngô Thì Nhậm trong những ngày vừa qua?

- Phường Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) là một trong ba điểm phường được Công an TP Hà Nội chọn thí điểm thực hiện Thông tư 12 của Bộ Công an, cùng với phường Văn Chương (quận Đống Đa) và phường Phúc Tân (quận Long Biên) về việc sang tên, đổi chủ phương tiện cho người dân tại địa phương. Việc thực hiện công tác này đã được lãnh đạo Công an quận chỉ đạo từ ngày 27/4.

Theo đó, để việc sang tên chuyển chủ phương tiện cho dân được thuận tiện, đúng quy trình, các cán bộ công an phường Ngô Thì Nhậm đã trực tiếp xuống từng hộ dân khảo sát, điều tra và hướng dẫn người dân kê khai biểu mẫu đăng ký chuyển chủ phương tiện. Trong hai ngày 18 và 19/5, Công an quận, Công an phường phối hợp cùng Chi cục Thuế và Kho bạc Nhà nước quận Hai Bà Trưng tổ chức sang tên đổi chủ phương tiện thí điểm cho người dân phường Ngô Thì Nhậm tại Chi cục Thuế của quận. Trong hai ngày làm việc, cán bộ công an đã trực tiếp cà lại số khung, số máy cho các chủ phương tiện, đồng thời cán bộ thuế cũng tổ chức hướng dẫn người dân kê khai các thủ tục về thuế, nộp tiền trực tiếp cho kho bạc và nhận giấy hẹn ngày tới nhận đăng ký xe, biển số mới.

Giảm phiền hà, tăng niềm tin với dân - Ảnh 2
 
Người dân làm thủ tục sang tên đổi chủ tại Công an phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng.Ảnh: Phú Khánh

Sau hai ngày, đã hoàn thành thủ tục cho 385 trường hợp, chiếm tỷ lệ 85%. 15% số phương tiện còn lại chưa tiến hành sang tên đổi chủ được do chủ phương tiện đi vắng hoặc xe mô tô, gắn máy có đăng ký ngoại tỉnh nên phải chờ hồ sơ. Với các trường hợp này, Công an phường sẽ tiếp tục đôn đốc để tiến độ công việc hoàn tất đúng theo kế hoạch. Dự kiến trong tháng 5 này, người dân có thể sử dụng Giấy đăng ký xe mới cho phương tiện của mình.

Sau thành công của việc thực hiện thí điểm tại phường Ngô Thì Nhậm, Công an quận Hai Bà Trưng có tiếp tục tổ chức làm sang tên đổi chủ phương tiện cho người dân các phường khác không, thưa ông?

- Sắp tới, Công an quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp tục triển khai ra toàn bộ 19 phường còn lại trên địa bàn quận. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với UBND quận và các phường, ngành thuế, kho bạc để tiếp tục tổ chức sang tên đổi chủ phương tiện tập trung cho người dân ngay tại cơ sở. 

Qua quá trình thực hiện tại phường Ngô Thì Nhậm, ông đánh giá như thế nào về vai trò phối kết hợp của các ban ngành liên quan?

- Quá trình thực hiện đã qua cho thấy, việc phối kết hợp giữa các ban ngành liên quan trong việc thực hiện sang tên đổi chủ phương tiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, tránh phiền hà, nhũng nhiễu, mất thời gian. Bên cạnh đó, việc làm này còn góp phần tạo dựng niềm tin cho nhân dân đối với bộ máy hành chính của địa phương, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện chủ trương, chính sách chung của Đảng và Nhà nước. 

Tuy nhiên, có một thực tế là số lượng phương tiện giao thông không chỉ ở quận Hai Bà Trưng mà hầu hết các quận nội thành đều rất lớn. Chính vì vậy, để thực hiện tốt công tác này, các ban ngành, bộ phận khác có liên quan mà cụ thể là Chi cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và lực lượng công an khu vực cũng phải cùng vào cuộc, bởi nếu chỉ có đội ngũ công an quận thôi thì sẽ không thể làm xuể.

Xin cảm ơn ông!