Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm quy trình thẩm định thiết kế xây dựng: Gỡ khó cho doanh nghiệp

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2020 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng với nhiều điểm mới đã được sửa đổi, bổ sung. Một trong những nội dung được đánh giá cao, đó là cắt giảm quy trình thủ tục thẩm định thiết kế, cho phép chủ đầu tư được tổ chức thực hiện thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở. Theo đánh giá, việc này có ý nghĩa quan trọng tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.

Gỡ “nút thắt”
Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Xây dựng năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, gồm: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng; khảo sát xây dựng; cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng; xây dựng công trình đặc thù và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài; quản lý năng lực hoạt động xây dựng; hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Theo ông Phạm Tuấn Linh - Công ty Xây dựng Module 9, trong mỗi dự án đầu tư quy trình lập, thẩm định hồ sơ nghiên cứu quy hoạch, phê duyệt dự án và thẩm định thiết kế là khâu mất nhiều thời gian nhất. Bình quân một dự án để đi vào triển khai xây dựng trải qua các bước trong quy trình phải mất ít nhất từ 2 - 3 năm, có dự án kéo dài 3 - 5 năm, thậm chí hàng chục năm, do nhiều bước thực hiện bị chồng chéo, trùng lặp. Đơn cử, riêng đối với bước thẩm định thiết kế (gồm thẩm định thiết kế cơ sở và thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở) trước đây quy định tách biệt làm 2 phần và đều phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Cho phép chủ đầu tư được thực hiện các bước thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở góp phần giảm tải thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
“Nghị định số 15/2021 hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2020 đã cho phép chủ đầu tư thực hiện một phần trong công tác thẩm định thiết kế. Sau khi đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thiết kế cơ sở, chủ đầu tư được phép thẩm định các bước thiết kế xây dựng hoặc thuê một đơn có năng lực thẩm định (đối với dự án ngoài ngân sách Nhà nước), sau đó làm báo cáo kết quả để hoàn tất hồ sơ xin giấy phép xây dựng. Như vậy, với quy định này đã cắt giảm một khâu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khi làm hồ sơ xin giấy phép xây dựng” - ông Phạm Tuấn Linh nhìn nhận.
Cần tiếp tục chỉnh sửa
Luật sư Hoàng Văn Đạo - Hội Luật gia Việt Nam cho biết, ngoài việc cho phép chủ đầu tư được thẩm định các bước thiết kế xây dựng, quy trình thủ tục thẩm định thiết kế có nhiều cải cách, được quy định cụ thể tại Điều 78 Nghị định 15/2021 như: Cho phép người quyết định đầu tư quyết định số bước thiết kế xây dựng khi phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng; Hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm thuyết minh thiết kế, bản vẽ thiết kế, tài liệu khảo sát xây dựng liên quan, dự toán xây dựng và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) theo yêu cầu của chủ đầu tư; Thiết kế bản vẽ thi công do tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng lập cho toàn bộ công trình hoặc từng hạng mục công trình hoặc từng giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư...
“Những cải cách này đã góp phần tích cực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là luật có hiệu lực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” - luật sư Hoàng Văn Đạo cho hay.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, mặc dù có nhiều điểm mới đã được sửa đổi, bổ sung trong Luật Xây dựng 2020 liên quan đến các bước trong quy trình thẩm định thiết kế và xin giấy phép xây dựng vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế, cụ thể tại Khoản 5, Điều 82 quy định:... chủ đầu tư có thể trình song song, đồng thời hồ sơ đến các cơ quan Nhà nước thẩm quyền và cơ quan chuyên môn về xây dựng, gửi kết quả thực hiện thủ tục đến cơ quan chuyên môn về xây dựng làm cơ sở kết luận thẩm định.
“Quy định này chưa thể hiện được tinh thần cải cách thủ tục hành chính, một cửa liên thông của Chính phủ. Làm như vậy chủ đầu tư phải tự liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, thẩm duyệt cao độ tĩnh không công trình… đi nhiều cửa, tốn nhiều thời gian” - ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng quy định chi tiết các bước thiết kế xây dựng, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh thiết kế xây dựng, cần phải có sự tích hợp Nghị định 59/2015/NĐ-CP và Nghị định 42/2017/NĐ-CP, để đảm bảo sự thống nhất, đúng với tinh thần cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, quy định thời hạn cấp phép giấy phép xây dựng 20 ngày đối với dự án, 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ nên rút ngắn xuống còn 15 ngày và 10 ngày.

Luật Đầu tư 2020 quy định đồng bộ, nhiều nội dung rất quan trọng được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, như: lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, thẩm định thiết kế xây dựng... đã được cải cách, cắt giảm các bước trong quy trình thực hiện. Quan trọng hơn, những cải cách này có hiệu lực thi hành đúng vào thời điểm dịch Covid-19 đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, điều này được kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho doanh nghiệp phục hồi trong và sau dịch.

Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam KTS Nguyễn Văn Thanh 

Những cải cách về thủ tục trong quy trình lập, thẩm định hồ sơ quy hoạch, thẩm định thiết kế sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm bớt được thời gian, chi phí đầu tư xây dựng dự án, công trình, nhưng hiện vẫn còn một số thủ tục thẩm định khi dự án đã hoàn thiện để đi vào sử dụng vẫn phải qua nhiều bộ phận. Chúng tôi mong muốn, cơ quan lập pháp tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi phù hợp với thực tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này và là động lực để phát triển trong thời gian tới.

Phó Tổng Giám đốc VIDEC Group Nguyễn Quốc Dũng