Để làm rõ hơn vấn đề này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội. Sự chủ động của Hà Nội Hà Nội là một trong số ít địa phương có riêng một trung tâm phân tích và kiểm định chất lượng nông sản. Bà có thể giới thiệu về năng lực kiểm định của trung tâm? - Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2014. Chức năng, nhiệm vụ chính của trung tâm là tổ chức các hoạt động nghiên cứu, phân tích, kiểm định chất lượng sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), vật tư nông nghiệp, mẫu môi trường nông nghiệp. Đồng thời tham gia đánh giá và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy về sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đến nay, trung tâm đã được Văn phòng công nhận chất lượng (BoA) công nhận mã số VILAS 642, VILAS 684 và được Bộ NN&PTNT chỉ định là phòng thử nghiệm ngành NN&PTNT mã số LAS - NN 77. Tổng số phép thử mà trung tâm được công nhận là gần 200, trong đó có phân tích, kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh (độ nhiễm khuẩn), chất tạo nạc Salbutamol, Clenbuterol, kim loại nặng, hàm lượng lipit, protit… trong thịt, rau, thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… Thời gian qua, trung tâm đã triển khai các hoạt động phân tích, giám sát chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản như thế nào? - Do là lĩnh vực mới nên thời gian qua, trung tâm tập trung củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nâng cao tay nghề cho các kiểm nghiệm viên. Trong năm 2015, trung tâm đã lấy trên 1.100 mẫu nông sản, thực phẩm, nước… trên địa bàn các quận, huyện để kiểm định, phục vụ nhiệm vụ giám sát ATTP. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã có văn bản gửi cho các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với trung tâm trong hoạt động lấy mẫu, phân tích, kiểm nghiệm, đặc biệt là các đơn vị liên quan như Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Trung tâm Phát triển chăn nuôi…Bên cạnh đó, trong chương trình phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), trung tâm còn mở một phòng kiểm nghiệm trong khu vực hội chợ triển lãm, thực hiện công tác kiểm tra nhanh (test) và phân tích mẫu nông, lâm, thủy sản ngay tại các hội chợ. Tháo gỡ nhiều bất cập Hiện nay, nhiều quận, huyện phản ánh gặp khó khăn trong công tác lấy mẫu, phân tích giám sát chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản cả về thiết bị lẫn chuyên môn nghiệp vụ. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào? - Quả thực đây cũng là vấn đề khó đối với cấp cơ sở. Chúng ta phải phân biệt hai thiết bị kiểm tra nhanh (kit test) và thiết bị kiểm nghiệm sâu trong phòng thí nghiệm (phương pháp sắc ký lỏng khối phổ, sắc ký khí khối phổ, phân tích vi sinh...). Đối với kit kiểm tra nhanh chất cấm Salbutamol trong nước tiểu và thịt hiện nay đang cho kết quả tốt. Tuy nhiên, kiểm nghiệm chất vàng ô (Auramine) chưa có kit test nhanh mà trong phòng thí nghiệm thì chỉ có 1 – 2 đơn vị tại phía Nam đã được Bộ NN&PTNT công nhận năng lực phân tích. Hơn nữa, chi phí cho công tác phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP theo Thông tư 149/2013/TT-BTC ngày 29/10/2013 quy định cũng khá tốn kém. Có mẫu phân tích một vài chỉ tiêu cũng lên tới hàng triệu đồng. Một vấn đề các địa phương cần lưu ý là không có thiết bị nào “thần thánh” đến mức test cái là ra hết kết quả ngay. Bài học về thiết bị kiểm tra chất lượng Soeks (Liên bang Nga) mới đây trên thị trường được đồn đoán là chỉ cần cắm vào thực phẩm là nhận biết được dư lượng hóa chất, tuy nhiên thực tế cho kết quả không tương đồng. Điều đáng nói, là theo quảng cáo của nhà sản xuất, chỉ phân tích được một chỉ tiêu nitrat nhưng lại được đặt tên là “máy kiểm tra ATTP”. Tóm lại là không nên tin tưởng hoàn toàn về kit kiểm tra nhanh. Vậy muốn có kết quả chính xác thì phải làm như thế nào, thưa bà? - Việc lấy mẫu kiểm tra, phân tích có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ giám sát ATTP. Trong quá trình kiểm tra, địa phương có thể dùng kit test nhanh dư lượng hóa chất cấm, nếu phát hiện dương tính thì cần đưa vào phòng thí nghiệm của các trung tâm để phân tích, tránh tình trạng “dương tính giả”, tức là khi phân tích sâu thì lại âm tính (an toàn). Nếu thông báo kết quả sớm có thể dẫn tới lợi bất cập hại, ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, các phòng kiểm nghiệm sâu phải rút ngắn thời gian trả kết quả, có thể là sau 8 tiếng như kiểm nghiệm phục vụ xuất khẩu hiện nay. Cần phải nói thêm là sử dụng bộ kit test nhanh cũng cần phải là đơn vị, cá nhân có hiểu biết nhất định về lĩnh vực này. Đặc biệt, bất cứ dụng cụ test nhanh nào thì cần phải có giấy phép của Cục ATTP (Bộ Y tế). Theo bà, để công tác lấy mẫu, kiểm tra, giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản đạt kết quả cao, cần phải có giải pháp gì? - Trước hết, cơ quan quản lý Nhà nước phải hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định rõ ràng các tiêu chí đánh giá, đặc biệt là đối với các thực phẩm đã được các nhà sản xuất, kinh doanh gọi là an toàn để lưu thông trên thị trường. Hiện nay, đối với một số chỉ tiêu mới liên quan tới chất cấm Salbutamol, Clenbuterol… chưa được cập nhật trong danh mục của Bộ Y tế. Hơn nữa, đã có một số tiêu chuẩn Việt Nam quy định từng tiêu chí đánh giá đối với mỗi sản phẩm cụ thể, ví dụ cam tươi, thịt tươi, cà phê… Thời gian tới, cần có các thông tư, văn bản quy định cụ thể các tiêu chí để đánh giá, giám sát về nông sản thực phẩm. Chẳng hạn định mức khối lượng sản phẩm để lấy mẫu đại diện, tần suất định kỳ giám sát, lấy mẫu, chỉ tiêu phân tích, mức giới hạn tối đa cho phép… Có như thế thì người tiêu dùng mới có căn cứ tham khảo để kiểm soát được và các đơn vị phân tích mẫu, thanh tra, kiểm tra Nhà nước mới thực thi được đồng bộ. Cùng với đó là đầu tư nâng cấp các thiết bị, hỗ trợ đào tạo nhân lực cả các cán bộ lấy mẫu và phân tích mẫu. Đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ các đơn vị phân tích, kiểm định mẫu và thường xuyên thông báo cho người tiêu dùng biết cả 2 nội dung: Thứ nhất là kết quả phân tích mẫu và thứ hai là chất lượng đạt chuẩn của phòng kiểm nghiệm. Xin cảm ơn bà!
Khai mạc phiên chợ nông sản an toàn đầu tiên Hôm nay (27/5), tại Khu Hội chợ Triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại (số 489, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), phiên chợ nông sản thực phẩm an toàn và vật tư nông nghiệp lần thứ nhất chính thức khai mạc. Đây là phiên chợ đầu tiên tiếp nối sự thành công của Tuần lễ giới thiệu “Nông sản an toàn” và công bố Chương trình “Địa chỉ xanh - Nông sản sạch” do Bộ NN&PTNT tổ chức hồi đầu tháng 5. Với quy mô gần 100 gian hàng, phiên chợ sẽ giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm sạch an toàn (rau, củ, hoa quả, thịt, cá, trứng, đồ hộp, bánh kẹo, cà phê, chè, nước trái cây, sữa, nước giải khát…) và vật tư nông nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, khách đến với phiên chợ sẽ yên tâm mua về những nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận VietGAP hoặc các giấy chứng nhận tương đương (Global Gap, ASC…) hay sản phẩm của các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Ban Tổ chức còn phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản Hà Nội tiến hành lấy mẫu thử tất cả các sản phẩm được bày bán ngay tại phiên chợ. Trên cơ sở đó giúp người tiêu dùng nâng cao hiểu biết về dư lượng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng chất bảo quản thực phẩm và đồ uống, chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó, định hướng tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao đảm bảo VSATTP, đảm bảo sức khỏe của con người. Sau phiên chợ đầu tiên này, các phiên chợ nông sản thực phẩm an toàn và vật tư nông nghiệp sẽ được tổ chức định kỳ 2 phiên/tháng. |