Vẫn “thờ ơ” với an toàn lao động
Theo thống kê của LĐLĐ TP, năm 2019, trên địa bàn TP đã xảy ra 223 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 226 người bị nạn. Trong đó, có 32 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm 33 người chết, 34 người bị thương nặng và 159 người bị thương nhẹ. Đáng chú ý, trong năm qua đã xảy ra 1 vụ cháy nghiêm trọng tại nhà xưởng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng công nghệ môi trường 79 làm 8 người chết, trong đó có 5 người là công nhân lao động.
“So với năm 2018, năm 2019, số vụ TNLĐ nghiêm trọng tăng 1 vụ, số người bị thương nặng tăng 16 người, chủ yếu là các vụ tai nạn do người lao động (NLĐ) ngã cao trong ngành xây dựng, ngành cơ khí, lắp ráp, điện, … Nạn nhân hầu hết là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 1 tháng và không được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc” – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng cho hay.
Tăng trách nhiệm của cán bộ công đoàn cơ sở
Nêu những vướng mắc của công đoàn cơ sở trong công tác giám sát ATVSLĐ tại các DN, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp cho biết: Ngoài việc DN chưa nghiêm túc báo cáo về tình hình an toàn lao động tại đơn vị mình, các công đoàn cơ sở cũng gặp khó ở việc mới chỉ tham gia giám sát chứ không được giải quyết về an toàn lao động, bởi có công ty còn chưa có tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ còn ít, chế tài xử phạt đối với các DN vi phạm còn quá thấp, không đủ sức răn đe.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện LĐLĐ huyện Ứng Hòa thừa nhận, việc quan tâm đến công tác ATVSLĐ tại địa phương còn bị xem nhẹ. Mặc dù Luật ATVSLĐ đã được ban hành từ năm 2015 nhưng DN nhỏ vẫn chỉ thực hiện việc này trên hình thức “giấy tờ”, nhằm đối phó với các đoàn kiểm tra, chứ chưa thực sự hiểu tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho NLĐ.
Rõ ràng, thực trạng trên cho thấy công đoàn cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa để tăng cường vai trò, trách nhiệm của cán bộ công đoàn cơ sở. “Không ai hiểu môi trường lao động của công nhân bằng cán bộ công đoàn cơ sở” – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nói và cho rằng, nhiều cán bộ công đoàn cơ sở chưa ý thức được trách nhiệm của mình, hoặc né tránh do lo ngại ý kiến của mình có thể ảnh hưởng đến lương, thưởng…
Ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị, thời gian tới, các cấp công đoàn phải coi ATVSLĐ, liên quan đến tính mạng, sức khỏe NLĐ phải là lĩnh vực cần được tập trung quan tâm hơn và nhấn mạnh, Hà Nội phải là đơn vị đi đầu về công tác này. Do đó, phải nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở và NLĐ. Phó Chủ tịch Tổng LĐLD Việt Nam cũng đề nghị phải tăng cường tập huấn cho cán bộ công đoàn và triển khai ngay khi được tập huấn xong. Trong công tác thanh tra, giám sát, cần chú ý đến việc kiểm tra chéo trong các công đoàn cơ sở để đảm bảo tính chính xác, khách quan. Ngoài ra, công đoàn TP cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chính sách pháp luật cho TP nhằm tăng cường bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ.
Để hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020, ngày 26/5, Ban Thường vụ LĐLĐ TP đã trợ cấp cho 100 công nhân bị tai nạn nặng, mỗi người một phần quà trị giá 1.800.000 đồng; 69 công nhân lao động bị TNLĐ nhẹ, mỗi suất 1 triệu đồng. |