Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát chặt các diễn biến môi trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong ngày 4/5, người dân vùng biển xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch phát hiện nước biển ven bờ có màu đỏ khác thường, với chiều rộng khoảng 10m, chiều dài khoảng 1.500m.

Trước diễn biến bất thường này, các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học đã khẩn trương vào cuộc.

Dải nước màu đỏ xuất hiện thường xuyên?

Ngư dân Nguyễn Văn Vịnh (xã Nhân Trạch) cho biết, sáng 5/5, dải nước màu đỏ không xuất hiện. Nước biển khu vực đã trong xanh trở lại và cũng không còn xuất hiện tình trạng cá chết trôi dạt vào bờ. Vẫn theo ông Vịnh, tình trạng dải nước màu đỏ xuất hiện ở khu vực biển này đã có từ lâu, đây là chuyện bình thường, đặc biệt thời điểm qua tháng 5 âm lịch còn xuất hiện nhiều hơn. “Tôi nghĩ dải nước màu đỏ không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt trong thời gian qua. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng liên quan cần khẩn trương nghiên cứu và sớm tìm ra nguyên nhân khác”. 
Cá chết hàng loạt tại ven biển miền Trung gây nhiều thiệt hại cho ngư dân.   	Ảnh: Lê Hiếu
Cá chết hàng loạt tại ven biển miền Trung gây nhiều thiệt hại cho ngư dân. Ảnh: Lê Hiếu
Ông Trần Quang Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch xác nhận, vào sáng 5/5, các phòng ban của huyện và chính quyền địa phương các xã ven biển đã không còn phát hiện tình trạng cá chết trôi dạt vào bờ như những ngày trước. Mặc dù vậy, huyện cũng đang tích cực chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan túc trực thường xuyên tại các bãi biển trên địa bàn và báo cáo ngay với huyện cũng như các cơ quan chức năng khi phát hiện hiện tượng bất thường. Đồng thời phối hợp với lực lượng Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh thông báo thường xuyên, khuyến cáo người dân trong khu vực không được tắm biển hoặc sử dụng nước biển cho các hoạt động khác cho đến khi xác định được nguyên nhân và có thông báo kết quả chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.

Liên quan đến hiện tượng trên, trong chiều 4/5, một đoàn công tác gồm Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT, Bộ KH&CN, Sở TN&MT Quảng Bình cùng khoảng 20 chuyên gia người nước ngoài (chủ yếu đến từ Nhật Bản) đã có mặt tại bãi biển Nhân Trạch để lấy mẫu nước về phân tích, xác định nguyên nhân.

TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng phòng Sinh thái biển Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng: Thường thì các chất thải, phù sa hoặc các thành phần vật chất khác ven bờ ở khu vực cửa sông, cửa biển đổ ra đều có thể làm cho nước biển bị biến đổi màu. Nếu là “thủy triều đỏ” thì thường trong nước biển có độ nhớt cao và có những mảng xác tảo kết dính với nhau nổi bập bềnh trên mặt nước. Do đó, về vệt nước đỏ ở Quảng Bình, TS Huân cho rằng, đó không phải là hiện tượng do “thủy triều đỏ” gây ra.

Mọi việc đang được kiểm soát

Theo số liệu thống kê (tạm thời) của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An), 3 ngày qua có hơn 2 tấn cá nuôi lồng và tự nhiên bị chết. Ông Lê Xuân Hướng - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) cho biết: Đến ngày 4/5, có khoảng 1 tấn cá của gần 60 lồng nuôi chết với các loại mú, chẽm, hồng mỹ, hồng đỏ, vẩu… tập trung ở 2 thôn là Thai Dương Thượng Tây và Thai Dương Hạ Nam. Ông Trần Duy Tuyến - Bí thư Thị ủy Hương Trà thông tin: Tình trạng cá nuôi chết ở xã Hải Dương chỉ xảy ra rải rác trước đây nhưng thời điểm này thì chết hàng loạt. Cá chết xuất hiện sau khi thủy triều lên và chưa rõ nguyên nhân.

Ông Tuyến cho biết, chính quyền đã huy động lực lượng thu mua lại với giá 10.000 đồng/kg rồi mang tiêu hủy, tránh tình trạng người dân buôn bán. Bên cạnh đó, xã cử người túc trực 24/24 giờ tại cửa biển, khu nuôi cá để thu gom, tạm thời không cho người dân ra đánh bắt cá ven bờ, trên khu vực phá Tam Giang. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã chỉ đạo đập ngăn mặn Thảo Long trên sông Hương xả nước liên tục nhằm ngăn nước biển xâm nhập vào.

"Dù Huế có 3 đợt cá chết, nhưng tất cả điểm quan trắc đánh giá môi trường nước biển đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật của quốc gia về giới hạn an toàn nước biển. Đến hôm nay, nước biển vẫn đạt chỉ số an toàn" - ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn của tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định tại buổi họp báo bế mạc Festival Huế 2016 sáng 5/5. Tỉnh cũng quan trắc tại các điểm, bãi tắm, cửa biển, bờ sông, mỗi ngày 2 lần và công bố trên cổng thông tin điện tử.
Liên quan tới hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, ngày 5/5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, ngay sau khi phát hiện sự việc, Bộ đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tổ chức thu gom, xử lý cá chết. Theo thống kê ban đầu của các địa phương, số lượng cá chết nổi dạt vào bờ ước khoảng gần 100 tấn, còn lại số cá chết chìm xuống đáy biển không thống kê được. Bộ NN&PTNT cũng cử 4 đoàn công tác vào kiểm tra tình hình, lấy mẫu nước và thủy sản kiểm nghiệm để tìm nguyên nhân gây chết cá. Hiện, phía Bộ NN&PTNT đã chuyển các mẫu và kết quả cho Bộ TN&MT, Bộ KH&CN đánh giá, công bố nguyên nhân cá chết. (Thiên Tú)
Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia đã trả lời kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm hải sản được lấy tại chợ Gò Cá, Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên và chợ cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng kim loại nặng trong tất cả các mẫu đều nằm trong ngưỡng cho phép.
Tại tỉnh Quảng Trị, ngành y tế đã kiểm tra mẫu vật phẩm 10 loại cá chết trôi dạt vào bờ, kết quả kiểm tra cho thấy, các mẫu cá này đều nhiễm hàm lượng kim loại nặng nhưng hàm lượng này nằm ở ngưỡng cho phép theo đúng quy định. Sở TN&MT Quảng Trị thường xuyên tiến hành quan trắc tại các vùng biển trên địa bàn tỉnh với tần suất 2 lần/ngày. Kết quả quan trắc chất lượng nước ở mức an toàn.