Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát chặt dịch bệnh MERS-CoV

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin Hàn Quốc đã xuất hiện trở lại trường hợp nhiễm virus "tử thần" MERS – CoV khiến nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn, Việt Nam có hệ thống giám sát dịch bệnh rất hiệu quả, hiện toàn ngành đang nỗ lực ngăn ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi vào Việt Nam như MERS-CoV, Ebola, Sars...

 Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn
Ông có thể cho biết tình hình dịch bệnh MERS – CoV hiện nay ở Hàn Quốc?

- Theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc, đất nước này đã ghi nhận một trường hợp mắc MERS-CoV đầu tiên trong năm 2018. Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, Bộ Y tế Hàn Quốc đã triển khai các biện pháp phòng bệnh quyết liệt. Hiện có 20 người tiếp xúc gần bao gồm cả nhân viên phục vụ chuyến bay, các nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân đã được theo dõi chặt chẽ về sức khỏe và cách ly tạm thời; chưa có thông tin về trường hợp lây truyền thứ phát.

Bộ Y tế đã có biện pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này từ Hàn Quốc và khu vực Trung Đông sang Việt Nam, thưa ông?

- Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay tại một số nước khu vực Trung Đông vẫn đang lưu hành dịch bệnh MERS-CoV và có thể tiếp tục ghi nhận một số trường hợp mắc mới đơn lẻ tại khu vực hoặc về từ vùng có dịch. Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các quốc gia trên thế giới theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh MERS-CoV và kịp thời đưa ra các biện pháp phòng chống phù hợp.
 Sử dụng máy đo thân nhiệt tia hồng ngoại nhằm kiểm soát dịch bệnh ở sân bay Nội Bài. Ảnh:   Hiếu An
Tại cửa khẩu quốc tế hiện nay, hành khách nhập cảnh đều được giám sát qua máy đo thân nhiệt. Lực lượng kiểm dịch y tế tại biên giới ghi nhận sát sao những hành khách có biểu hiện ốm bất thường, sốt. Những người có biểu hiện bất thường về sức khỏe đi về từ vùng có dịch sẽ được vào khu cách ly tạm thời để khám sàng lọc, khai thác tiền sử.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh bằng cách thực hiện những biện pháp sau:

- Súc miệng bằng nước sát khuẩn.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà bông và nước

- Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi và vứt khăn này vào sọt rác.

- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng của mình bằng tay chưa rửa sạch. Tránh tiếp xúc gần gũi (hôn, dùng chung ly tách, hoặc dùng chung đồ dùng ăn uống,...) với người bệnh.

- Chùi sạch và khử trùng thường xuyên các bề mặt chạm vào, như đồ chơi và tay nắm cửa ra vào.

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang nằm ở trong tình huống giả định đầu tiên là chưa có ca MERS-CoV xâm nhập. Ngoài ra, Bộ cũng tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin cho người dân hiểu và chủ động phòng bệnh, tăng cường giám sát tại cộng đồng.

Ông có thể cho biết khả năng xét nghiệm những loại virus mới nổi của Việt Nam ở mức nào?

- Hiện nay, Việt Nam triển khai năng lực giám sát xét nghiệm rất tốt. Tất cả bệnh truyền nhiễm mới nổi đến nay, Việt Nam đều có khả năng xét nghiệm, phát hiện được như MERS-CoV, Ebola, cúm AH7N9… Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm hoạt động hiệu quả từ giám sát cộng đồng, giám sát tại vùng bất thường liên quan đến yếu tố dịch tễ đều được báo cáo, sàng lọc, giám sát tại cửa khẩu, tại phòng xét nghiệm.

Ông có khuyến cáo gì với người dân về căn bệnh nguy hiểm này?

- Đây là dịch bệnh nguy hiểm, nhưng người dân không nên hoang mang, lo lắng. Bộ Y tế đang làm rất tốt khâu giám sát, dự phòng. Còn tại Hàn Quốc cũng đã cách ly, xử lý kịp thời và cũng chưa có thông tin về trường hợp thứ hai bị lây nhiễm. Tuy nhiên, người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin và Bộ Y tế cũng sẽ thông tin liên tục diễn biến mới về MERS-CoV trên website của Cục Y tế dự phòng. Những người đi du lịch đến và về từ Trung Đông cần lưu ý phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.

Xin cảm ơn ông!

MERS-CoV là một căn bệnh về hô hấp gây ra bởi một loại siêu vi coronavirus mới phát hiện được gọi là "Middle East Respiratory Syndrome Coronavirus" (MERS-CoV), một dạng virus kết hợp giữa hai yếu tố nguy hiểm: Khả năng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong cao, đồng thời là một "người anh em họ" với virus gây ra đại dịch SARS năm 2003. Siêu vi coronavirus là một nhóm siêu vi thông thường gây nhiễm trùng đường hô hấp.

Những người bị nhiễm MERS-CoV phát triển thành căn bệnh về hô hấp cấp tính có các triệu chứng như sốt, ho và thở dốc. Các trường hợp này có thể nghiêm trọng với khoảng 30% trong tất cả các trường hợp bị MERS được xác nhận đã dẫn đến tử vong. Một số trường hợp đã được báo cáo là nhẹ. Bệnh MERS gây ra bởi virus MERS-CoV ở động vật và không có vaccine phòng ngừa. Virus này lây từ động vật sang người hoặc từ người sang người do tiếp xúc. Lạc đà được cho là vật chủ có chứa lượng lớn virus MERS-CoV.