Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khoá XVI đã thông Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của HĐND TP về việc thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của TP Hà Nội.
Nói về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết này, Trưởng ban Pháp chế-HĐND TP Hà Nội Duy Hoàng Dương cho biết: Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự nỗ lực cố gắng của chính quyền TP và cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác cải cách hành chính của TP đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kết quả triển khai công tác cải cách hành chính của TP Hà Nội được thể hiện rõ qua các chỉ số PCI và PAPI tiếp tục được duy trì, cải thiện. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của TP và Chỉ số PAR-Index của TP thuộc nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước. Chỉ số PAPI năm 2021 của TP xếp thứ 9/63 tỉnh, TP, tăng 39 bậc so với năm 2020, trong đó cả 8/8 chỉ số thành phần tăng về thứ hạng.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 của TP đạt 87,11% và tăng 3 bậc so với năm 2020, đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó chỉ tiêu về mức độ hài lòng chung về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước của TP đạt 86%. Đặc biệt chỉ số thành phần “Quản trị điện tử” tăng 21 bậc, dẫn đầu cả nước về thứ hạng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác cải cách hành chính vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: Công tác quản lý, theo dõi thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình, kế hoạch, đề án của Trung ương, TP vẫn còn chậm so với kế hoạch, việc đôn đốc tiến độ có lúc còn chưa thường xuyên, quyết liệt. Chỉ số SIPAS tuy đã có những sự cải thiện tích cực trong năm 2021, đã tăng 3 bậc so với năm 2020, song Hà Nội vẫn xếp thứ 30/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Về Chỉ số cải cách hành chính, Hà Nội vẫn đang trong đà giảm xếp hạng qua những năm gần đây (năm 2021, Hà Nội xếp thứ 8/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương - giảm 6 bậc sau 3 năm liên tiếp đứng ở vị trí thứ 2 từ năm 2017 đến năm 2019). Trong giải quyết hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn tình trạng chậm muộn, trễ hẹn, công dân phải đi lại nhiều lần, đặc biệt là lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Bên cạnh đó, tiến độ chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để xử lý, phân tích, dự báo và tối ưu hóa hoạt động, quản lý kinh tế-xã hội, thực hiện xây dựng chính quyền số còn chậm. Chỉ số xếp hạng Chuyển đổi số năm 2021 của TP đạt rất thấp, xếp thứ 40/63 các tỉnh, TP (trong đó, Chỉ số xếp hạng về Chính quyền số xếp thứ 40/63; Kinh tế số xếp thứ 36/63; Xã hội số xếp thứ 47/63).
Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và tỷ lệ được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn thấp (có 254/928 DVC theo kế hoạch, đạt 27,37%).... Đây là những hạn chế cần chính quyền TP sớm nhận diện rõ nguyên nhân và tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Cùng đó, tháng 3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 và tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - trong đó đã xác định những định hướng, chủ trương và các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho các địa phương thực hiện hoặc phối hợp cùng bộ, ngành thực hiện nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số đạt hiệu quả tích cực.
Nhằm tổ chức đánh giá đúng, khách quan kết quả thực hiện cải cách hành chính và việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về xây dựng chính phủ điện tử và tiến tới chính quyền số trên địa bàn TP, thực hiện Điều 62 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Điều 16 Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của HDNĐ TP về Chương trình giám sát của HĐND TP Hà Nội năm 2023, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát của HĐND TP về việc thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của TP.
Qua giám sát để đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của TP Hà Nội.
Theo Nghị quyết, phạm vi giám sát là việc thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của TP Hà Nội từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/12/2022. Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND TP sẽ thực hiện giám sát trong Quý II/2023.