Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát của HĐND TP về việc thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 cấp TP.
Nghị quyết đã quyết nghị, Đoàn giám sát của HĐND TP sẽ giám sát việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 của TP Hà Nội từ 1/1/2021 đến thời điểm giám sát thực tế. Qua đó, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn và công trình trọng điểm giai đoạn này.
Theo Tờ trình của Thường trực HĐND TP về vấn đề này, căn cứ vào Tờ trình số 411/TTr-UBND ngày 18/11/2022 của UBND TP, qua 2 năm triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bộc lộ những tồn tại hạn chế: Tiến độ triển khai Kế hoạch chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư phê duyệt dự án chậm. Đến nay mới có 47/156 dự án, dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư; tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và ODA chậm, hầu hết vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, việc rà soát dự án chuyển tiếp một số lĩnh vực chưa đầy đủ, chính xác. Nhu cầu bổ sung theo nhiệm vụ mới, dự án tăng cao nên tại mỗi kỳ họp HĐND TP đều phải điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch trung hạn cho các dự án để hoàn thành. Điều này làm cho khó khăn trong việc cân đối nguồn lực cho các nhiệm vụ và dự tính nguồn vốn cho các nhiệm vụ mới.
Về việc triển khai 39 dự án, công trình trọng điểm, với những mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm cùng 3 khâu đột phá. Trong đó: “Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng thủ đô…”.
Trước đó, ngày 8/12/2021, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-HĐND, trong đó đã thông qua danh mục 39 công trình trọng điểm của TP dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư dự kiến là 360.980 tỷ đồng bao gồm: 2 dự án sử dụng nguồn vốn ODA; 30 dự án sử dụng vốn ngân sách TP; 1 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư và 6 dự án thực hiện xã hội hóa.
Theo báo cáo của TP, đến thời điểm hiện nay, việc triển khai 39 dự án công trình trọng điểm rất chậm, bộc lộ một số tồn tại chính: Các công trình trọng điểm chuyển tiếp và đủ thủ tục đã được giao Kế hoạch với mức vốn lớn để đủ điều kiện triển khai theo tiến độ được duyệt. Tuy nhiên, các dự án đều triển khai chậm, không đáp ứng yêu cầu, giải ngân thấp hoặc không giải ngân do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Trong tổng số 33 dự án sử dụng vốn ngân sách, có nguồn gốc từ ngân sách, ngoài 9 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020, đến thời điểm hiện nay, đã gần 1/2 kỳ kế hoạch trung hạn, mới có 9/24 dự án mới được quyết định chủ trương đầu tư (37,5%), trong đó mới có 3/24 dự án được phê duyệt dự án. Như vậy công tác chuẩn bị đầu tư quá chậm, chỉ đạt hơn 12,5% số lượng dự án mới triển khai trong giai đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các thủ tục tiếp theo cũng nhưng phương án cân đối vốn của cả kỳ kế hoạch.
Đối với 6 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, đến thời điểm hiện nay mới có 1 dự án được quyết định chủ trương đầu tư, 4 dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, 1 dự án chưa có hồ sơ đề xuất.
Từ những thực tế đó, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát của HĐND TP về việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 của TP Hà Nội nhằm tổ chức đánh giá đúng, khách quan kết quả thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đồng thời nhằm phát hiện kịp thời những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền.