Giám sát, phản biện xã hội đòi hỏi có chuyên đề toàn quốc

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng thời gian tới, việc triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội cần có tính hệ thống, có chuyên đề toàn quốc như giám sát tối cao của Quốc hội.

Hôm nay, 6/7, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Giám sát, phản biện ngày càng hiệu quả, thực chất

Tại Hội nghị, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, trong 5 năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát được 2.689 cuộc, MTTQ cấp huyện giám sát 11.638 cuộc, MTTQ cấp xã giám sát 46.136 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trên nhiều lĩnh vực: Giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp; giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp vận động và bảo đảm an toàn thực phẩm...

Cũng 5 năm qua, Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát, trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát được 1.981 cuộc, MTTQ cấp huyện giám sát 13.213 cuộc, MTTQ cấp xã giám sát 72.162 cuộc, với nội dung giám sát tập trung vào nhiều lĩnh vực, trọng tâm. Ban Thanh tra Nhân dân xã, phường, thị trấn cũng tổ chức được 144.462 cuộc, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức được 149.200 cuộc giám sát.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đồng chí chủ trì Hội nghị 
Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đồng chí chủ trì Hội nghị 

Về thực hiện các hình thức phản biện theo Nghị quyết liên tịch số 403, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ cho hay, ở T.Ư, từ năm 2018-2022, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức được 14 hội nghị phản biện xã hội. Các dự án Luật, đề án được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức phản biện là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp quyền, nghĩa vụ của công dân; đóng vai trò quan trọng tới đời sống xã hội và được Nhân dân quan tâm: Phản biện Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo (Dự án Luật về Hội); Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi); Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…

“Sau các Hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực đều có văn bản phản biện gửi các cơ quan, tổ chức có dự thảo được phản biện và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành văn bản. Văn bản phản biện xã hội của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và một số cơ quan, tổ chức có ý kiến phản hồi”- bà Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định.

Đặc biệt, trong 5 năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, TP đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện; gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở.

Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng

Tham luận tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã chia sẻ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện; làm rõ bối cảnh, yêu cầu và những vấn đề đặt ra trong thực hiện quy định về hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thời gian tới. Trên cơ sở đó, đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và hiệu quả phối hợp thực hiện Nghị quyết.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường phát biểu tham luận
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường phát biểu tham luận

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho hay, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức CT-XH trên địa bàn TP ngày càng được cấp ủy, chính quyền coi trọng, đánh giá cao. Sự phối hợp giữa Đoàn ĐB Quốc hội, HĐND, UBND TP và các cơ quan chức năng của TP ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định. Đoàn ĐB Quốc hội, HĐND, UBND TP luôn có đại diện lãnh đạo tham dự các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam TP; đôn đốc các cơ quan chức năng tiếp thu và trả lời kiến nghị, đề xuất của MTTQ Việt Nam TP sau giám sát và phản biện xã hội; mời đại diện MTTQ Việt Nam TP, các tổ chức CT-XH tham gia những đoàn giám sát, các kỳ họp HĐND, UBND, qua đó để MTTQ thực hiện vai trò giám sát của mình.

Để công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp ngày càng hiệu quả, ông Nguyễn Sỹ Trường đề xuất: Cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về công tác giám sát, phản biện xã hội theo đúng tinh thần Chỉ thị 18 của Ban Bí thư. Đặc biệt, cần nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp với giám sát của MTTQ, các tổ chức CT-XH để vừa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả giám sát vừa tránh chồng chéo, cùng một nội dung mà nhiều đoàn giám sát. Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam tập trung vào bổ sung chế tài trong công tác giám sát, phản biện xã hội.

Giám sát, phản biện có trọng tâm, trọng điểm, không hình thức

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị, để thực hiện tốt hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung và Nghị quyết liên tịch 403 nói riêng, hệ thống MTTQ từ T.Ư tới cơ sở phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thấm nhuần, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội. Cần làm tốt hơn công tác tham mưu, tuyên truyền phổ biến đến tổ chức, cá nhân, toàn xã hội hiểu rõ và tạo điều kiện để các tổ chức trong hệ thống chính trị phối hợp MTTQ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu chỉ đạo 
Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu chỉ đạo 

Nhấn mạnh yêu cầu tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, “dám nói, dám làm”, “nói đúng, làm đúng” vì lợi ích của Đảng, của Nhà nước, Nhân dân; thấy sai mà không dám nói thì cũng là tự diễn biến, tự chuyển hóa, là biểu hiện tiêu cực, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng gợi mở: Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH, các tổ chức thành viên. MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH, các tổ chức thành viên phải chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước, cơ quan chức năng xây dựng Luật gì, sửa đổi Luật nào, khoản nào? “Nếu chúng ta chỉ kiến nghị chung chung thì không biết tiếp thu thế nào, kể cả có sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị quyết liên tịch 403”, ông Đỗ Văn Chiến nói.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, việc hoàn thiện thể chế pháp luật là cơ sở quan trọng để MTTQ Việt Nam các tổ chức CT-XH làm tốt hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động, tăng phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu.

Ông Đỗ Văn Chiến cho rằng thời gian tới, việc triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội cần có tính hệ thống, có chuyên đề toàn quốc như giám sát tối cao của Quốc hội. Trên cơ sở tổng hợp ở phạm vi toàn quốc, tiếng nói của Mặt trận mới giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBTV Quốc hội, Chính phủ có cái nhìn tổng quát và đạt được yêu cầu hoạt động giám sát, phản biện có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng chất lượng, thực chất, không hình thức.

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, trong năm 2024 sẽ tiến hành Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X. Trong nhiệm kỳ mới, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là đổi mới tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam, phát huy vai trò của các Hội đồng Tư vấn, hoạt động của Ủy viên Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, các Phó Chủ tịch không chuyên trách; khâu đột phá được xác định chính là nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội như Chỉ thị 18 của Ban Bí thư.