Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát sâu hơn nguồn vốn ODA

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/8, tại Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016.

Huy động vốn ODA tăng hơn 59%

Theo nhận định của đoàn giám sát, trong giai đoạn 2011-2016, các quy định về quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính công theo các quy định mới đều hướng đến chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn. Giai đoạn 2011 - 2016, đã có 319 Hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 - 2010. Bình quân trong giai đoạn 2011 - 2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Tổng giải ngân cả giai đoạn giám sát khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 560 nghìn tỷ VND).
 Cầu Nhật Tân - dự án giao thông sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh:  Hải Linh
Giai đoạn 2011 - 2016, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ khoảng 226 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 17-18% tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, trong đó trả nợ gốc là khoảng 158.200 tỷ đồng (chiếm 70% tổng nghĩa vụ trả nợ), trả nợ lãi và phí là 67.800 tỷ đồng (chiếm 30% tổng nghĩa vụ trả nợ). Việc trả nợ các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cơ bản được tổ chức thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn, đoàn giám sát cho biết.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, so với các nước cùng sử dụng vốn ODA, nước ta sử dụng vốn ODA tương đối hiệu quả. Bằng chứng là, kết quả đàm phán, huy động vốn ODA giai đoạn 2011 - 2016 đã cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 - 2010.

Chất lượng dự án không cao, kéo dài, lãng phí

Nhưng bên cạnh những kết quả, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA. Trong đó, việc huy động nguồn lực ODA chưa có chiến lược mang tính căn cơ, hiệu quả, chặt chẽ, còn thể hiện tính dàn trải, thiếu tập trung, chưa có trọng tâm, trọng điểm, manh mún, chưa dành sự quan tâm thích đáng đến việc xem xét hiệu quả sử dụng vốn vay.

"Qua giám sát cho thấy, nhận thức về ý nghĩa của nguồn lực ODA và vay ưu đãi trong một số bộ phận cán bộ còn hạn chế, còn quan niệm nguồn vốn tài trợ là “cho không”, việc Chính phủ đi vay và cấp phát cho các địa phương, địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi, vì vậy, chưa thực sự chú trọng đến trách nhiệm phải quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Các bộ, ngành và địa phương cũng chưa thực sự quyết liệt, chủ động trong quá trình triển khai, vẫn còn tư tưởng “ỷ lại, trông chờ” nguồn vốn. Đáng chú ý, trong một số trường hợp, để xảy ra các sai phạm trong quản lý song chưa làm rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn." - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Qua giám sát tại nhiều địa phương cho thấy, tính đồng bộ, kết nối của một số dự án chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến dự án chưa phát huy được hiệu quả bền vững, chưa có sức lan tỏa và kết nối vùng, miền làm giảm hiệu quả đầu tư. Một số dự án trả nợ chậm tiến độ, có những dự án không có khả năng trả nợ, đứng trước nguy cơ mất vốn, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước…

Đồng tình quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bổ sung: Rất nhiều các công trình nước sạch được đầu tư bằng nguồn vốn ODA nhưng sử dụng được một thời gian nước lại không về nữa. Hay, việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới nhanh chóng xuống cấp. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng khẳng định, rõ ràng chất lượng các dự án sử dụng vốn ODA chưa cao, kéo dài, lãng phí. Ngay trong dữ liệu Báo cáo giám sát đã thừa nhận, có 10% số dự án sử dụng vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới, 20% số dự án sử dụng vốn ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) không hiệu quả.

Nhiều ý kiến trong UBTV Quốc hội đề nghị báo cáo giám sát cần trả lời cho được các câu hỏi, việc sử dụng vốn vay ODA có thất thoát, lãng phí không. Những bộ, ngành, địa phương nào làm tốt và không tốt. Đồng thời, các cơ quan của Quốc hội cần giám sát chuyên sâu hơn nữa việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Chính phủ cần xác định rõ ai chịu trách nhiệm chính theo dõi các dự án ODA.