Giám sát tại Hoài Đức: Rõ trách nhiệm trong quản lý xử lý nước thải

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Huyện Hoài Đức, các sở, ban, ngành liên quan cần làm rõ những vướng mắc tại các dự án, trách nhiệm mỗi bên... để rõ nét bức tranh hệ thống thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn, đủ cơ sở để đề xuất đầu tư”- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP Hà Nội, sáng nay, 26/8, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Hoài Đức.

Tham gia Đoàn có lãnh đạo các Ban HĐND TP, Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP, các sở ngành liên quan.

Nhiều khó khăn trong thu gom, xử lý nước thải 

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho hay, trên địa bàn mới đầu tư hệ thống thu gom nước tại tại một số khu đô thị, 9 CCN và một số tuyến đường hạ tầng khung đang được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa, hệ thống nước thải riêng theo quy hoạch (QH); các khu vực còn lại chưa được đầu tư hệ thống thu gom riêng nên nước thải khu dân cư vẫn thoát chung hệ thống thoát nước mưa. Về trạm xử lý nước thải đô thị, hiện các khu đô thị mới được xây dựng đều có QH trạm xử lý riêng trước khi xả ra môi trường và 3 xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế được xử lý tại Nhà máy (NM) xử lý nước thải Cầu Ngà, còn lại 17 xã, thị trấn chưa có hệ thống thu gom nước thải hoàn chỉnh nên chưa đạt hiệu quả xử lý.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà chủ trì giám sát tại huyện Hoài Đức
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà chủ trì giám sát tại huyện Hoài Đức

Về triển khai các dự án, theo lãnh đạo huyện, dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đã bàn giao mặt bằng và xây xong trạm bơm tiêu, không vướng GPMB; dự án cải tạo Trạm bơm Đào Nguyên và dự án Trạm bơm Yên Thái chưa thực hiện. Cùng đó, dự án NM xử lý nước thải Vân Canh đã xong GPMB và bàn giao từ năm 2016, được HĐND TP phê duyệt năm 2021. Với dự án NM xử lý nước thải Sơn Đồng, đã xong GPMB, cơ bản hoàn thành hệ thống đường ống thu gom, hệ thống xử lý nước thải và nhà điều hành, quản lý, song chưa đưa vào vận hành, sử dụng do thiếu một số hạng mục, chưa có giấy phép xả thải và hoàn thiện thủ tục bàn giao, vận hành, đưa vào sử dụng. Dự án đầu tư xây dựng NM xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà (xã Dương Liễu), đã được khởi công tháng 12/2015, đưa vào vận hành từ tháng 10/2016; các hạng mục bổ sung, hoàn thiện hệ thống thu gom, tách xơ, sợi điều hòa nước mưa được triển khai thi công từ tháng 9/2018 và hoàn thành đưa vào hoạt động từ tháng 3/2019.

Lãnh đạo huyện cho rằng, khó khăn chủ yếu trong hạ tầng thu gom, xử lý nước thải là các khu dân cư chưa có hệ thống thoát nước mưa và nước thải, làm tăng khối lượng nước thải phải xử lý tại các NM xử lý nước thải tập trung. Xử lý nước thải CCN cũng có hạn chế do hoàn thiện hạ tầng tại một số CCN để thu gom xử lý nước thải đúng quy định còn thiếu; còn 8 xã và các khu vực dân cư vùng bãi chưa được QH các NM xử lý nước thải phân tán cục bộ…

Trước thực tế đó, UBND huyện kiến nghị TP đẩy nhanh triển khai NM xử lý nước thải tại xã Sơn Đông, Vân Canh và 4 trạm xử lý nước thải tại các CCN La Phù, Trường An, Lại Yên, Lai Xá; sớm hoàn thành công trình Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa để hoạt động hiệu quả. TP cũng cần triển khai QH, xây dựng các NM xử lý nước thải tập trung với 8 xã và các khu dân cư vùng bãi thuộc huyện; thực hiện các NM xử lý nước thải theo QH được duyệt; tiếp tục hỗ trợ huyện hoàn thiện hạ tầng và xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại 8 CCN, thực hiện tách hệ thống thoát nước thải, nước mưa tại khu dân cư.

Thành viên Đoàn giám sát trao đổi các vấn đề quan tâm tại buổi giám sát với huyện Hoài Đức.
Thành viên Đoàn giám sát trao đổi các vấn đề quan tâm tại buổi giám sát với huyện Hoài Đức.

Có biện pháp mạnh, quyết tâm xử lý vi phạm

Lắng nghe chia sẻ của lãnh đạo huyện và qua nắm bắt thực tế, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận cố gắng của huyện Hoài Đức đối với việc thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn, song cũng thẳng thắn nêu lên một số vấn đề bất cập, hạn chế cần được trao đổi làm rõ giải pháp trong thời gian tới.

Trong đó, Đoàn giám sát cho rằng, qua tiếp xúc cử tri của huyện, nổi lên nhiều vấn đề tồn tại đã lâu chưa khắc phục được về thoát nước và xử lý nước thải, nên huyện cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để khắc phục, cũng như đề xuất kiến nghị liên quan thẩm quyền của TP. Hiện tại huyện có nhiều làng nghề nhưng mới có 3 xã được xử lý nước thải qua NM, còn lại 17 xã, thị trấn chưa có hệ thống thu gom nước thải hoàn chỉnh nên chưa đạt hiệu quả xử lý, huyện nên có phương án xử lý.

Trên địa bàn huyện theo rà soát của HĐND TP có 8 làng nghề có mức ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nên cần nêu rõ việc khắc phục thời gian qua, đã thực hiện di dời hoặc chuyển đổi nghề hay các giải pháp khác...

Các đại biểu nêu ý kiến trao đổi
Các đại biểu nêu ý kiến trao đổi

Đặc biệt, một số đại biểu đặt vấn đề: Lượng kênh mương nội đồng trên địa bàn cũng rất lớn, đóng vai trò thoát nước đô thị, vậy việc rà soát chuyển đổi công năng từ phục vụ nông nghiệp sang thoát nước đơn thuần ra sao. Liên quan đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt, Hoài Đức phấn đấu lên quận trong vài năm tới, nên các chỉ tiêu xử lý nước thải phải đáp ứng chỉ tiêu của đô thị, không phải của nông thôn nữa, vậy huyện cần tính toán vấn đề đầu tư đồng bộ, có kế hoạch để đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn về thoát nước đô thị.

Kết luận cuộc giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà khẳng định, huyện Hoài Đức đã có nhiều cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải. Tại huyện thời gian qua cũng đã được QH, đầu tư một số hệ thống thu gom, xử lý nước thải…

Qua giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP cho rằng, UBND huyện cũng như các sở, ban, ngành liên quan cần làm rõ thêm những vướng mắc tại các dự án, rõ trách nhiệm của địa phương và các sở ngành, công tác phối hợp… Mục đích là làm rõ nét bức tranh về hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn huyện Hoài Đức, trên cơ sở đó có đủ cơ sở để đề xuất đầu tư.

Riêng đối với UBND huyện, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP đề nghị nhanh chóng rà soát lại QH thoát nước trên địa bàn, tính toán nguồn lực trong điều kiện của huyện, cùng với tranh thủ sự hỗ trợ của các bên, tăng cường biện pháp kiểm soát ô nhiễm nước sông ngòi, xử lý vi phạm…

“Cần có biện pháp xử lý mạnh, trong thẩm quyền của huyện thì phải quyết tâm xử lý, nếu mức xử phạt không đủ sức răn đe, phải có thêm biện pháp khác, đề xuất TP hướng xử lý. Song song với tuyên truyền trong cán bộ công chức, rất cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường”- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP nêu rõ.