Giám sát việc thực hiện cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 16/3, Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP Hà Nội đã tiến hành giám sát tại huyện Chương Mỹ về việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và TP về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội.

Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách của HĐND TP Hà Nội Hồ Vân Nga phát biểu tại buổi làm việc.
Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách của HĐND TP Hà Nội Hồ Vân Nga phát biểu tại buổi làm việc.

Tham dự cùng Đoàn giám sát có đại diện các Ban HĐND TP; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; đại diện các Sở: NN&PTNT, Công thương, Tài chính, KH&ĐT, Liên minh Hợp tác xã TP, Hội Nông dân TP.

Hình thành mô hình nông nghiệp cho thu nhập 500-600 triệu đồng

Báo cáo với Đoàn giám sát về việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết: Giai đoạn 2019-2022 huyện Chương Mỹ đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2021, toàn huyện có 3 xã được UBND TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Thủy Xuân Tiên, Đồng Phú, Hợp Đồng); Năm 2022, huyện tập trung chỉ đạo và hướng dẫn 2 xã (Lam Điền, Quảng Bị) hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hiện nay trên địa bàn 13 xã, thị trấn có 99 sản phẩm OCOP đã được UBND TP đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Năm 2022, Hội đồng OCOP huyện đã đánh giá, phân hạng 46 sản phẩm và trình Hội đồng OCOP TP đánh giá, công nhận; tiếp tục duy trì hoạt động 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Giai đoạn này mặc dù có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành nông nghiệp nhưng ngành nông nghiệp đã khẳng định được vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế. Huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung (lúa, rau, cây ăn quả, chè; hình 5 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm; 7 xã có khu chăn nuôi tập trung với diện tích 114,8ha...).

Thành viên Đoàn giám sát nêu một số nội dung cần làm rõ trong quá trình thực hiện chính sách tại huyện Chương Mỹ
Thành viên Đoàn giám sát nêu một số nội dung cần làm rõ trong quá trình thực hiện chính sách tại huyện Chương Mỹ

Ngành nông nghiệp huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đã hình thành một số mô hình chuỗi sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực (rau, gạo và sản phẩm chăn nuôi), góp phần nâng cao tỷ trọng ngành nông nghiệp; hoàn thành xây dựng phát triển nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm gồm: Bưởi Chương Mỹ; Gạo hữu cơ Đồng Phú và Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến - Chương Mỹ, Rau an toàn Chúc Sơn, Bưởi Nam Phương Tiến.

Bên cạnh đó, huyện Chương Mỹ đã hình thành các mô hình ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình ứng dụng nuôi cấy mô và hệ thống điều hòa điều khiển nhiệt độ trong nhà kính để sản xuất hoa lan hồ điệp tại xã Thụy Hương; Mô hình sản xuất bưởi Diễn và mô hình sản xuất rau, quả công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại thu nhập cao cho người dân từ 500 - 600 triệu đồng/ha/năm...

Thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND TP về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội, huyện bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như: vùng sản xuất lúa; nuôi trồng thủy sản; trồng cây ăn quả; chăn nuôi tập trung với quy mô ngày càng tăng. Vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao đạt trên 5.000ha, vùng cây ăn quả chuyên canh bưởi Diễn tăng từ 120ha lên 800ha, vùng chăn nuôi tập trung đã phát triển được 582 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư.

Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Chương Mỹ 
Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Chương Mỹ 

Thực hiện Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 4/12/2019 của HĐND TP về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề TP Hà Nội: Trên địa bàn huyện có 95 làng có làng nghề, trong đó 35 làng ở 16 xã đã được UBND TP công nhận (sản xuất hàng mây tre xuất khẩu; sản xuất hàng mộc; sản xuất nón lá; điêu khắc...).

UBND huyện đã phê duyệt 6 phương án bảo vệ môi trường làng nghề và đang tiếp tục chỉ đạo UBND các xã có làng nghề lập phương án bảo vệ môi trường đối với 19/25 làng nghề còn lại theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ TN&MT quy định về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã vận động được các cơ sở sản xuất hàng mây tre đan lớn di dời ra khỏi khu dân cư vào cụm công nghiệp để sản xuất. Các cơ sở đã có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.

Đồng thời, năm 2019-2020 huyện tổ chức được 45 lớp với 1.575 học viên học các nghề: Mộc dân dụng, may - công nghiệp, mây tre giang đan...; Phối hợp với Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp - Hà Nội tổ chức 3 lớp nghề mây tre đan; Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề tiểu thủ công nghiệp được 32 lớp với 1.120 học viên, các nghề mây tre giang đan, thêu, may công nghiệp, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ...

Một số làng nghề hoạt động cầm chừng

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách cũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn như: Một số làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Chương Mỹ đang hoạt động một cách cầm chừng, chưa thật sự hiệu quả và đang đứng trước nguy cơ mai một; các làng nghề nông thôn hoạt động còn thiếu sự liên kết, thiếu đầu tư máy móc, kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm đơn điệu; ô nhiễm môi trường làng nghề làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân...

Nguyên nhân của tồn tại, vướng mắc do quy mô sản xuất của các làng nghề còn nhỏ lẻ; số lượng các hộ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại vào sản xuất còn ít, mẫu mã các sản phẩm làng nghề còn chưa đa dạng; sản xuất thủ công mang tính thời vụ nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; các chính sách về hỗ trợ, bảo tồn và phát triển làng nghề còn khó áp dụng.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị huyện Chương Mỹ làm rõ về chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; làm rõ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của trung ương và TP; phân tích rõ hơn phạm vi đối tượng, địa bàn triển khai phát triển sản xuất lúa chất lượng cao giữa chính sách của trung ương và TP để tránh trùng lắp; công tác tuyên truyền chính sách, giám sát việc thực hiện...

Sau khi đại diện một số đơn vị (xã, hợp tác xã, doanh nghiệp...) làm rõ thêm về các vấn đề đoàn giám sát nêu, từ thực tế tại địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa đề nghị TP sớm tổng hợp báo cáo Bộ TN&MT góp ý sửa đổi Luật Đất đai,  trong đó đề nghị sửa đổi thời hạn cho thuê đất đối với đất nông nghiệp công ích do UBND xã quản lý; Đề nghị TP có rõ cơ chế hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề, làng nghề truyền thống; Hỗ trợ huyện xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại xã Phú Nghĩa...

Ghi nhận những ý kiến của cơ sở, Đoàn giám sát đã ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách.

Đoàn tiếp thu những kiến nghị của huyện và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu trong quá trình thẩm tra, báo cáo HĐND để ban hành các quyết sách phù hợp liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn.