Tiến trình tái cơ cấu các DNNN trên địa bàn TP sẽ được đẩy mạnh với việc đề ra lộ trình thu hẹp số DNNN nắm giữ 100% vốn Nhà nước.
Đó là những nội dung được đưa ra trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh với UBND TP Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và Đề án sắp xếp, đổi mới DNNN trực thuộc TP giai đoạn 2012 - 2015 chiều 14/11. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng và lãnh đạo các Bộ, sở ngành TP tham dự.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Kim Toàn
Rà soát, thu hẹp DNNN
Hiện TP đang hỗ trợ, bổ sung vốn, thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện cho các DN phát triển. Nhiều DN đã đầu tư thêm máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của DN và đạt doanh thu như Công ty CP Đầu tư xây dựng Hà Nội, Khóa Việt Tiệp, Dệt 10-10, Nhựa Hà Nội, Kim khí Thăng Long…
Dựa trên những kết quả đạt được, từ năm 2011 đến 2015, Hà Nội phấn đấu hoành thành sắp xếp 44 DN, 22 bộ phận DN và 7 đơn vị sự nghiệp. Cụ thể cổ phần hóa 58 DN, các hình thức sắp xếp khác 8 DN và 3 đơn vị sự nghiệp. Sau năm 2015 tiếp tục cổ phần hóa 8 công ty mẹ - con và các CTTNHH một thành viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế sau hơn 10 năm triển khai CPH DN thuộc TP cho thấy, hiện tồn tại nhiều DN hoạt động hiệu quả kém, thua lỗ. Nguyên nhân là do DN đã sử dụng một nguồn vốn lớn để đầu tư ra ngoài ngành nhưng kiểm soát thiếu chặt chẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của DN. Ngoài ra, công tác CPH gần đây đang gặp không ít khó khăn do tác động từ thị trường như tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, thị trường chứng khoán hoạt động trầm lắng, hoặc do ách tắc từ phương pháp xác định giá đất, lập phương án sử dụng đất của DN. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội được giao nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho toàn TP. Mạng lưới truyền dẫn và cung cấp nước đều nằm sâu dưới lòng đất nên việc định giá mạng lưới truyền dẫn nước là không thể thực hiện được. Hay như Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dịch vụ nhà Hà Nội được TP giao quản lý, kinh doanh gần 30 biệt thự và các tòa nhà có vị trí đắc địa trên các tuyến phố của Thủ đô để cho các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế và người nước ngoài thuê. Đây là nhiệm vụ nhạy cảm, đặc thù nếu tiến hành sắp xếp lại việc định giá tài sản sẽ rất khó khăn và khó tránh khỏi thất thoát...
Có phương án cụ thể với từng DN
Theo ý kiến của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, qua quá trình rà soát, chủ trương của TP là không phải giảm số lượng DNNN bằng mọi giá mà là sắp xếp dựa trên hiệu quả đầu tư, đồng thời bảo tồn được vốn. Chính vì thế, để công tác sắp xếp và CPH DNNN giai đoạn 2012 - 2015 đạt kết quả tốt, Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét 5 giải pháp đó là: Qua quá trình triển khai cho phép TP tùy tình hình thực tế linh hoạt điều chỉnh, bổ sung, thay đổi thời gian triển khai kế hoạch sắp xếp CPH DN 100% vốn Nhà nước; được xem xét lên phương án thoái vốn Nhà nước trước khi thực hiện CPH; được giữ lại số tiền thu được từ bán phần vốn Nhà nước và để góp vốn trong trường hợp các công ty cổ phần nắm giữ có nhu cầu phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ; cho phép TP thành lập cơ quan quản lý Nhà nước trên cơ sở tổ chức lại và nâng cấp Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội thành Cục Quản lý Tài chính DN trực thuộc UBND TP.
Ghi nhận những kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong công tác đổi mới, sắp xếp lại DNNN, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, CPH DNNN phải gắn với quá trình tái cơ cấu DNNN. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc giảm mạnh số DNNN nhỏ và DNNN không cần giữ 100% vốn, đồng thời nâng quy mô DNNN cả về vốn, doanh thu, tài sản và nộp NSNN. Để việc sắp xếp, đổi mới DNNN tốt hơn, Phó Thủ tướng yêu cầu, phương án sắp xếp phải theo tiêu chí chung và có đặc thù riêng của TP, từng DN phải có phương án cụ thể.